DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ (SỬA ĐỔI): KẾ THỪA, BỔ SUNG, SỬA ĐỔI NHIỀU NỘI DUNG ĐẢM BẢO TÍNH THỐNG NHẤT, PHÙ HỢP
Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 điều; đã sửa đổi 54/76 điều, bổ sung 01 điều, bỏ 03 điều so với Luật hiện hành. Trong đó, bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội nhất trí với việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đối với với việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người là vũ khí quân dụng, đại biểu cho rằng, cần thiết phải bổ sung quy định này như tại dự thảo luật để có căn cứ xử lý đối với tội phạm sử dụng dao có tính sát thương cao để gây án. Lý giải cho quan điểm này, đại biểu đưa ra các lý do cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 05 năm qua, toàn quốc đã phát hiện, bắt giữ trên 16.000 vụ, 26.000 đối tượng sử dụng các loại dao và công cụ, phương tiện tương tự dao để gây án, trong đó, đã xử lý trên 7.000 đối tượng đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội, chủ yếu xử lý về các hành vi là hậu quả của việc sử dụng dao, công cụ phương tiện tương tự dao như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng..., trên 2.000 đối tượng tái phạm (đa số đã hết thời hiệu xử phạt hành chính), trên 5.000 đối tượng sử dụng các loại dao theo mẫu sản xuất tại các cơ sở hoặc dao tự hoán cải. Như vậy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện có khả năng gây sát thương tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, trong đó nhiều vụ là các băng, nhóm đối tượng có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, coi thường pháp luật, nhiều vụ gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Quá trình điều tra các vụ án này, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì Luật hiện hành không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí. Vì vậy, cần thiết phải quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm của đối tượng ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc định hướng hành vi của đối tượng.
Thứ hai, Dự thảo Luật quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, khi đối tượng tàng trữ, sử dụng với ý thức chủ quan, động cơ, mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì mới được xác định là vũ khí quân dụng; các loại dao có tính sát thương cao không được coi là vũ khí khi người dân sở hữu để sử dụng trong lao động, sản xuất, sinh hoạt. Việc quy định như vậy mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định của pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm.
Thứ ba, trong khái niệm vũ khí quân dụng đã bao gồm cả các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng. Như vậy, dự thảo Luật đã mở rộng khái niệm vũ khí quân dụng không chỉ là vũ khí bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn mà còn quy định những loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự. Quy định như vậy nhằm để xử lý hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại vũ khí trên. Vì vậy, việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, khi sử dụng nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ con người là vũ khí quân dụng là phù hợp./.