CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ, TẠO TIỀN ĐỀ CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TP. ĐÀ NẴNG
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 bao gồm 03 Chương với 18 Điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị. Đồng thời, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 02 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Bổ sung chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược
Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Nghị quyết, góp ý tại phiên thảo luận Tổ 16, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của Tp. Đà Nẵng. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị, quy định tại Điều 12. Khoản 1 điểm b bổ sung thêm “hệ thống siêu máy tính, trung tâm dữ liệu,” vào danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố. Theo đại biểu, việc thu hút đầu tư vào hệ thống siêu máy tính và trung tâm dữ liệu giúp thành phố Đà Nẵng tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện khả năng cạnh tranh, hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả và tăng cường an ninh quốc gia. Điều này còn tạo môi trường hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp phát triển bền vững. Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ bị hấp dẫn bởi một môi trường có sẵn các cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Đối với Điều 12. Khoản 2 quy định các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng để được hưởng các chính sách ưu đãi. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy mới chỉ tập trung chủ yếu điều kiện về vốn, và điểm e quy định điều kiện yêu cầu Nhà đầu tư chiến lược phải “Có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực,”. Vì vậy, đại biểu kiến nghị thành phố cần bổ sung thêm những chính sách ưu tiên đặc biệt và khả thi nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược đồng thời bổ sung thêm điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16
Đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng"
Liên quan đến quy định về Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13), đại biểu tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, trong bối cảnh Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Trung ương đặt ra và vươn lên thành một trung tâm kinh tế năng động của khu vực miền Trung, đề xuất thí điểm thành lập "Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng" thay vì chỉ là "Khu thương mại tự do". Đây là một bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết: Việc kết hợp giữa thương mại và tài chính trong cùng một khu vực tự do sẽ tạo ra một môi trường giao dịch linh hoạt và thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu chi phí giao dịch và thời gian xử lý, từ đó thúc đẩy luồng vốn đầu tư chảy vào Đà Nẵng. Đồng thời, khu vực tài chính tự do có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, từ đó thu hút các tập đoàn tài chính lớn và các nhà đầu tư quốc tế đến với Đà Nẵng.
Ngoài ra, việc thí điểm khu tài chính tự do sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm cho các chính sách tài chính mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện để hình thành các chính sách ưu đãi về thuế và các quy định tài chính, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn. Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam chọn thành lập doanh nghiệp tại Singapore thay vì Việt Nam do Singapore có các chính sách ưu đãi tài chính và thuế vượt trội. Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam do các quy định phức tạp và hạn chế.
Cũng theo đại biểu khu thương mại, tài chính tự do sẽ giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các trung tâm kinh tế lớn khác trong khu vực như Singapore và Hồng Kông, những nơi có các khu vực tài chính phát triển mạnh mẽ.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16 chiều ngày 31/5
Đề nghị cho phép thí điểm chính sách thị thực vàng
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại điểm a, Khoản 2 Điều 14 để thành phố Đà Nẵng cho phép thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, trong đó chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Trong đó, thị thực vàng là một chính sách quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
"Trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng chính sách thị thực vàng thành công. Ví dụ như chính phủ Úc có chương trình visa đầu tư và đổi mới kinh doanh cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận visa thường trú khi đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương. Các nước Ả Rập Xê Út (UEA) cung cấp quyền cư trú dài hạn (lên đến 10 năm) cho các nhà đầu tư, doanh nhân, và chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược và nhiều nước khác...", đại biểu dẫn chứng.
Từ những lập luận nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách thị thực vàng đối với thành phố Đà Nẵng; đó là cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 05 năm cho chuyên gia và gia đình họ, là những chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp là nhà đầu tư chiến lược cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1, Điều 12./.