Sửa đổi Luật Điện lực: Quy định cụ thể hơn tạo bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh
Cho ý kiến bước đầu về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật. Bởi, sau khi Luật Điện lực năm 2004 có hiệu lực, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong đó có lĩnh vực điện lực được ban hành. Cụ thể: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng”, nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực cần thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đã nêu rõ “thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng”.
Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có định hướng một số chủ trương lớn: “Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”; “Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, diện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác…”
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng
Ngoài ra, định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới còn được thể hiện qua các Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng và cam kết của Việt Nam tại các kỳ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc, trong đó có các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết, nhất là cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về việc cần có cơ chế giá điện phù hợp trong việc xuất, nhập khẩu điện đối với các nước trong khu vực. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định về cơ chế giá điện trong việc mua bán điện với nước ngoài vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh
Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh, sửa đổi Luật Điện lực cần cụ thể hóa các quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, nhất là thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện; Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền; khi sửa đổi, bổ sung các quy định về giá điện cần tuân thủ các nguyên tắc của Luật Giá. Đại biểu cho rằng, nếu xác định điện là hàng hóa dịch vụ đặc biệt, quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên giao Thủ tướng Chính phủ quy định giá điện. Bộ Công thương, Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành các bảng giá điện.
Về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu Vũ Tuấn Anh cho biết, tại khoản 8 Điều 5 của dự thảo luật quy định: Ưu tiên đầu tư dự án điện sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của nhà nước… Đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định này, bởi hiện nay không còn vốn vay ưu đãi, nên chi phí và lãi suất vay cao, vì vậy cần tính toán hiệu quả của từng dự án, từng trường hợp.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa
Qua rà soát, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa cho biết, dự thảo luật đã bám sát 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội xem xét thông qua tại Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, còn một số nội dung trong dự thảo luật nằm ngoài nội dung các nhóm chính sách đã được thông qua. Điển hình là Điều 114 của dự thảo luật quy định về hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng; bổ sung đánh giá tác động của các chính sách mới so với luật hiện hành và các nhóm chính sách đã được thông qua.
Tại khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu cho biết, khoản b, khoản c quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các dự án thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng là khá rộng, đặc biệt là các dự án thủy điện đa mục tiêu; hơn nữa, khái niệm dự án thủy điện đa mục tiêu chưa được quy định trong dự thảo luật. Theo đại biểu, thủy điện đa mục tiêu là dự án thủy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng cũng cần tiếp tục đánh giá, nghiên cứu quy định này phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có yêu cầu hạn chế và xóa bỏ độc quyền để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội.
Cũng cho ý kiến về chính sách của nhà nước về phát triển điện lực, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết, Điều 5 của dự thảo luật quy định: Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị làm rõ để các nhà đầu tư yên tâm khi lưới điện truyền tải do mình cung cấp có được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia hay không; việc tiếp nhận, vận hành lưới điện do tư nhân đầu tư sẽ chuyển giao cho nhà nước theo cơ chế nào…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đại biểu cho biết, nếu áp dụng nguyên tắc lấy Luật Điện lực làm chuẩn (như dự thảo luật) sẽ không thống nhất với nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, các quy định về quản lý nợ công, các quy định trong Luật Đầu tư, các quy định trong Luật Đầu tư công… Hơn nữa, không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát đảm tính thống nhất với Luật Quy hoạch, liên quan đến quy định tại Chương 2 về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đại biểu lấy ví dụ, hoạt động quy hoạch trong Luật Quy hoạch bao gồm lập, thẩm định, quyết định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch… Tuy nhiên, dự thảo luật tại Điều 10 chỉ đề cập đến việc lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực; Điều 11 dự thảo luật chỉ quy định về lập, phê duyệt, điều chỉnh, mà chưa quy định các bước theo quy định tại Luật Quy hoạch.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định việc sửa đổi, cập nhật thông tin của các dự án điện lực được nêu trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (khoản 2 Điều 10) và thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, cập nhật thông tin để đảm bảo thống nhất với thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.