Một giờ của Phó chủ tịch QH ở Đồn biên phòng Đàm Thủy

11/12/2007

Nguyên là Tư lệnh quân khu V, từng vào sinh ra tử, nếm trải những vất vả, khó khăn của cuộc đời người lính, chuyến thăm của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn tới đồn biên phòng Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng không chỉ với tư cách một vị lãnh đạo QH đến với cử tri mà còn là sự gặp gỡ, sẻ chia những gian khó của những người đồng chí, đồng đội ở nơi địa đầu Tổ quốc.

Từ thị xã Cao Bằng, đi khoảng 90 km về phía Tây Bắc là đến đồn biên phòng Đàm Thủy. Ai đã một lần lên đây chắc hẳn sẽ nhớ mãi. Vách núi dựng đứng, chất ngất như chỉ chực đổ ập xuống. Đường quanh co, gập ghềnh vắt ngang qua những sườn núi dài. Có khi một bên là núi đá, một bên là vực thẳm. Có khi cả hai bên đều là vách núi. Đồn biên phòng Đàm Thủy nằm ẩn mình trên một sườn đồi cao, bốn bề là thung lũng bao phủ. Ấn tượng đầu tiên là màu xanh mướt của những vườn rau, những vườn cây thuốc nam xung quanh đơn vị. Một khẩu hiệu lớn nổi bật: Đồn là nhà, biên phòng là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt!

Nói chuyện với các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Đàm Thủy, những xúc cảm của một người lính trong lòng vị Phó chủ tịch QH chợt như sống lại.  Phó chủ tịch QH giới thiệu: Tôi nguyên là Tư lệnh Quân khu V, cũng từng là một người lính, đến thăm các đồng chí ăn, ở và luyện tập. Và, bỗng chốc mọi khoảng cách bị xóa nhòa. Sau những cái bắt tay, những lời thăm hỏi ân tình, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn kể cho những người lính ở Đồn Biên phòng Đàm Thủy những câu chuyện, những kỷ niệm về những người đồng đội, đồng chí năm xưa, về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng ấm áp tình quân dân. 

Đồn trưởng, Thượng tá Nguyễn Quang Hóa báo cáo với Phó chủ tịch QH: Đồn biên phòng Đàm Thủy được giao quản lý đường biên giới dài 18,5km và 2 xã biên giới là Đàm Thủy và Chí Viễn, dân số chủ yếu thuộc hai dân tộc Tày, Nùng. Hầu hết những cán bộ, chiến sỹ ở đây đều là người dưới xuôi, quê tận Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình... Đa số đều là những người lính trẻ, chưa có gia đình. Đón Đoàn Công tác của Phó chủ tịch QH, lòng họ lại rộn lên tình cảm nhớ quê. Trung sỹ Giáp Văn Sơn quê Bắc Giang tâm sự, đã 3 năm anh chưa được về ăn Tết cùng gia đình. Năm nay, vì nhiệm vụ, anh vẫn phải ở lại trực cùng đơn vị.  Một nét buồn thoáng qua trên gương mặt người lính trẻ. Nhưng rồi ngay sau đó là nụ cười hóm hỉnh, rất lính: Tết ở đây vui lắm, năm nào đơn vị cũng được bà con dân bản gửi tặng bánh chưng và cùng bà con đón giao thừa. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng khi có dịp kiến nghị với Phó chủ tịch QH, Đồn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Quang Hóa cũng chỉ tha thiết, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao còn nghèo quá! Hai xã thuộc địa bàn quản lý của đồn là Đàm Thủy và Chí Viễn, tỷ lệ nghèo đói lên tới 38,8%. Trẻ em thôn bản vẫn hàng ngày phải lên nương làm rẫy. Cánh đồng Phia Pó chỉ còn trơ khấc gốc rạ. Không có nước, dân bản chỉ cấy được 1 vụ. Đến những ngày năm cùng tháng tận, bà con lại phải chạy ăn từng bữa. QH và Chính phủ phải có cơ chế, chính sách như thế nào để giúp bà con vượt khó, để trẻ em vùng cao được cắp sách đến trường. Chia sẻ với những vất vả, gian khó của bà con vùng cao và của những người lính nơi địa đầu Tổ quốc, Phó chủ tịch day dứt: Cao Bằng là cái nôi của cách mạng, nhưng đồng bào các dân tộc còn phải chịu cực nhiều quá, anh em chiến sỹ cần phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tích cực tăng gia sản xuất, cùng bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo. Cán bộ, chiến sỹ trong đồn cần tạo niềm tin trong dân, xây dựng thế trận biên phòng lòng dân. Phó chủ tịch tâm tư, đối với mỗi người lính biên phòng, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ những cột mốc hữu hình, còn có một cột mốc vô hình, ấy chính là lòng tin của người dân. Niềm tin đó cũng là ngọn nguồn sức mạnh để người lính vượt qua những gió núi, mưa ngàn, vững tay súng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Những lời tâm tình ấy của Phó chủ tịch QH với cử tri là những người lính biên phòng- là sự lắng đọng, trải nghiệm từ cuộc đời một người lính nhiều vất vả, nhọc nhằn. Có ai biết rằng, 5 tuổi, người lính ấy đã phải mồ côi mẹ. Cha đi tập kết, 13 tuổi đã làm liên lạc cho giải phóng quân. Và năm 19 tuổi, người lính ấy đã không cầm được nước mắt khi nhận được giấy lên đường nhập ngũ. Những trải nghiệm nhọc nhằn, gian khó ấy khiến vị Trung tướng- Phó chủ tịch QH hôm nay cảm nhận và thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của những người đồng chí, đồng đội của mình đang làm nhiệm vụ ở nơi biên cương của Tổ quốc. 

Những ngày này, Tết sắp đến. Đối với những người lính biên phòng Đàm Thủy, lại một cái Tết nữa xa nhà, xa quê hương. Nhưng có lẽ, lòng mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã thêm ấm lại bởi sự sẻ chia, đồng cảm từ một người đồng chí- người lãnh đạo cấp cao của QH.

 

Thu Hồng

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)