Phòng, chống ma tuý: Cần quy định rõ trách nhiệm của gia đình

17/05/2008

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu một thực tế, chỉ có một số ít gia đình có người nghiện tích cực hỗ trợ cho trung tâm, còn lại phần lớn là bỏ mặc, phó thác.

(VOV)_ Sáng nay (16/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy và việc thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội về việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc trung ương. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng?

Phát biểu tại Hội trường, các Đại biểu Quốc hội đều khẳng định rằng Nghị quyết số 16/2003/ QH11 của Quốc hội là hoàn toàn đúng, đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy. Kết quả đạt được ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh quy trình cai nghiện cần thiết có 2 giai đoạn: cai nghiện và quản lý sau cai. Đây cũng chính là căn cứ để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy về lĩnh vực cai nghiện phục hồi.

Các đại biểu cũng cho rằng, thực hiện Đề án quản lý sau cai là thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo hết sức tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có thời kỳ lầm lạc, nghiện ma túy. Theo đó, hàng vạn người đã được cai nghiện; học tập nâng cao trình độ văn hoá, rèn luyện nhân cách; được học nghề, nâng cao tay nghề hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm điều kiện tái hoà nhập cộng đồng (ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số học viên còn được theo học Đại học từ xa). Người nghiện ma tuý không bị kỳ thị, phân biệt đối xử mà được chữa trị, học tập, rèn luyện làm lại cuộc đời.

Trong thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, nhìn chung tại 7 địa phương, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tình trạng tội phạm hình sự; tình hình an ninh trật tự xã hội ở từng địa phương tốt hơn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan nhanh đại dịch HIV/AIDS trong nhóm người nghiện ma túy cũng như ngoài cộng đồng xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TPHCM) nêu rõ, trước khi có Nghị quyết 16 của Quốc hội, ở TPHCM nơi đâu cũng có kim tiêm, người nghiện… gây lo lắng cho nhân dân, các gia đình lo sợ không biết khi nào ma tuý sẽ tìm đến gia đình mình. Trong khi đó, người nghiện vừa được cho ra khỏi trung tâm vài hôm lại tái nghiện, số lượng người nghiện mới gia tăng nhanh… Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 16, mặc dù trước đó chưa có kinh nghiệm nhưng đã đạt được những kết quả tốt, hạn chế được sự lây lan ma tuý. Thể hiện ở số người nghiện giảm dần, số người bị đưa vào trung tâm cai nghiện năm 2007 chỉ bằng 10% so với năm 2002, tốc độ người nhiễm HIV cũng giảm đi, an ninh trật tự được đảm bảo hơn…

Về mặt kinh tế-xã hội, với hàng vạn người ở các địa phương tham gia Đề án sau cai, trong thời gian từ 4 năm đến 5 năm đã tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng/năm. Đại biểu Lê Thành Tâm (đoàn TPHCM) phân tích, nếu tính bình quân mỗi người nghiện 1 ngày sử dụng 1 liều ma túy với giá 50.000 đồng thì chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tiết kiệm được gần 3.000 tỷ đồng/năm. Như vậy số tiền đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma tuý của Thành phố này không phải là uổng phí. Bên cạnh đó, số tiền đầu tư vào cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma tuý khi hết thời gian thực hiện Đề án sẽ được tiếp tục sử dụng cho công tác cai nghiện hoặc sử dụng vào mục đích an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) lại cho rằng cơ sở vật chất tại các trung tâm cai nghiện được trang bị rất đầy đủ, thậm chí còn tốt hơn cơ sở vật chất ở một số trường đại học, tuy nhiên việc dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho người sau cai nghiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đại biểu này dẫn ví dụ: “khoảng 759 người cai nghiện đã được bố trí việc làm tại KCN Nhị Xuân và các doanh nghiệp khác cho thấy những người có việc làm và thu nhập ổn định còn rất thấp so với con số đào tạo nghề tại trung tâm là trên 31.000 người”.

Đại biểu Hoa Ry đề nghị đối với việc đào tạo nghề sau cai nghiện nên có sự chọn lọc; bên cạnh sự quan tâm đào tạo nghề cần tập trung hơn nữa cho việc giới thiệu việc làm cho đối tượng sau cai nghiện. Bởi nếu không khéo sẽ gây lãng phí và cũng không giúp ích gì cho những đối tượng sau cai nghiện, đặc biệt những đối tượng có sức khỏe kém.

Về việc đến ngày 1/8/2008, Nghị quyết 16 đã hết hiệu lực trong khi còn hàng nghìn người ở 6 địa phương còn lại (và một phần ở TPHCM) đang tham gia Đề án chưa thực hiện xong thời gian quản lý sau cai. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) kiến nghị Quốc hội nên có Nghị quyết riêng cho phép số người này được tiếp tục thực hiện đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý có hiệu lực.

Phòng, chống ma tuý: Cần quy định rõ trách nhiệm của gia đình

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 là rất cần thiết.

Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung thảo luận là quy định thời gian quản lý sau cai nghiện; Về xóa bỏ cây có chứa chất ma túy và tổ chức phòng, chống tệ nạn ma túy ở miền núi và vùng dân tộc ít người; trách nhiệm của gia đình có người nghiện, chính quyền cơ sở trong việc phát hiện người mắc nghiện; ngân sách cho công tác cai nghiện ma tuý…

Về quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cần bổ sung vào Luật quy định về thời gian quản lý sau cai nghiện, chống tái nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) có ý kiến cho rằng quản lý sau cai nghiện cở trung tâm cai nghiện rất ít hiệu quả, vì thế nên hạn chế việc giao quản lý sau cai nghiện cho cơ sở. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có nguy cơ tái nghiện cao thì vẫn nên giữ lại ở trung tâm để quản lý thêm 1 năm.

Đại biểu Giàng A Chu cho rằng Luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của gia đình có người nghiện. Trên thực tế người nghiện không tự thừa nhận mình nghiện mà đều do gia đình hoặc các tổ chức xã hội khai báo và đề nghị cai nghiện.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu một thực tế, chỉ có một số ít gia đình có người nghiện tích cực hỗ trợ cho trung tâm, còn lại phần lớn bỏ mặc, phó thác cho trung tâm, không quan tâm hỗ trợ. “Khi đưa được người cai nghiện vào trung tâm rồi, họ như trút được gánh nặng trên mình. Trong lúc chính sách lại chưa quy định rõ nét về công tác xã hội hóa đối với cai nghiện, phần lớn là ngân sách của Nhà nước đảm bảo thực hiện. Thiết nghĩ nên có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện hợp lý hơn, như vậy Nhà nước sẽ không phải đầu tư nguồn ngân sách lớn đến như vậy cho công tác cai nghiện” đại biểu Hoa Ry kiến nghị.

Về các hình thức cai nghiện, nhiều đại biểu cho rằng Luật nên quy định rõ 3 hình thức cai nghiện: tại gia đình, cộng đồng và bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện. Đại biểu Giàng A Chu cho rằng mặc dù trên thực tế cai nghiện tại cộng đồng ít hiệu quả nhưng vẫn nên quy định trong luật để địa phương nào có điều kiện tổ chức cai nghiện tại cộng đồng thì vẫn không bị coi là vi phạm luật.

Một số đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề đã đến lúc bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy hay không nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải nỗ lực đối phó với việc phòng chống và khắc phục nạn ma tuý. Bởi nếu không cân nhắc thật kỹ vấn đề này, có thể làm cho xã hội nhận thức việc sử dụng ma túy là không phạm pháp, công khai sử dụng, gây bất ổn cho xã hội.

Về việc chi ngân sách cho công tác cai nghiện ma túy, có đại biểu cho rằng, đối với nguồn ngân sách hạn hẹp của nước ta hiện nay, nếu lĩnh vực nào Nhà nước cũng “ưu tiên”, “đảm bảo” về ngân sách thì sẽ không đáp ứng nổi. Chính vì vậy trong luật cần quy định lại thể hiện rõ nét sự chia sẻ trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện trong việc đóng góp để tổ chức thực hiện cai nghiện, không phải thể hiện ở mức độ “tùy lòng hảo tâm” mà là chế tài bắt buộc phải đóng góp. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho những đối tượng không có điều kiện đóng góp, quy định như vậy để phần nào giảm bớt gánh nặng cho nguồn ngân sách nhà nước.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí./.

 

Thanh Hà- Cẩm Thuỷ

(http://www.vovnews.vn/)