Phiên họp thứ Mười hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

26/09/2008

* Cho ý kiến về việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2009: Chậm tiến độ là tồn tại triền miên và nan giải của cơ quan trình dự án luật * Dự án Luật Bồi thường Nhà nước: Không nên coi bồi thường nhà nước là một lĩnh vực quản lý

      Ngày 25.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và dự án Luật Bồi thường Nhà nước.

      Liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2009, Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày đã đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008. Trong đó, nêu rõ, năm 2008, Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với UBTVQH, HĐDT và các UB của QH trong việc xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình QH cho ý kiến và thông qua. Tuy nhiên, so với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008 đã được QH thông qua thì chương trình đã nhiều lần điều chỉnh. Các tài liệu gửi kèm dự án luật, pháp lệnh còn chưa đầy đủ, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan của QH và QH trong việc thẩm tra, xem xét và thông qua các dự án luật, pháp lệnh. Theo Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2009 có 10/36 dự án luật thuộc Chương trình chính thức được Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008. Và, thời gian gần đây, Chính phủ có Tờ trình đề nghị bổ sung 5 dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở liên quan đến việc xem xét, mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số để sửa đổi quy định về quyền quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng; dự án Nghị quyết của UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung khung thuế xuất khẩu ban hành theo Nghị quyết số 295/ 2007/NQ- UBTVQH12 ngày 27.9.2007 của UBTVQH; Dự án Nghị quyết của UBTVQH về sửa đổi, bổ sung biểu khung thuế suất thuế tài nguyên ban hành kèm theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên; Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự. Rút ra 10 dự án luật, chiếm gần 30% tổng số các dự án luật nằm trong Chương trình chính thức là một tỷ lệ khá cao- Ý kiến của Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền- điều này đồng nghĩa rằng sẽ dồn việc xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh vào những năm cuối của nhiệm kỳ QH Khóa XII. Đây là điều cần rút kinh nghiệm. Đành rằng, chúng ta linh hoạt và không cứng nhắc trong triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng điều chỉnh đến mức như trên là không thể chấp nhận được- Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thẳng thắn.

      Một trong những tồn tại nữa trong công tác triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2008 là hầu hết các dự án luật không được gửi đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, QH đúng thời hạn quy định. Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn... xác định: đây là nhược điểm lớn nhất, là tồn tại triền miên và nan giải, năm nào cũng nhắc đến, nhưng cuối cùng thì đâu vẫn vào đó. Với mong muốn khắc phục triệt để, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng cần phải siết chặt kỷ luật trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH. Kết luận về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Căn cứ vào quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như các văn bản khác liên quan, nếu đúng thời hạn phải chuyển dự án luật, pháp lệnh sang các cơ quan của QH mà chưa thấy dự án luật, pháp lệnh đâu thì nhất quyết đưa ra khỏi Chương trình. Khắc phục triệt để tình trạng bắc nước chờ gạo người. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý khi đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH cần phải chú ý tới tính cấp bách mà thực tiễn đang đòi hỏi và khả năng đáp ứng của các cơ quan trình. Bên cạnh đó cần phải tính tới sự hài hòa tương đối giữa các lĩnh vực trong các dự án luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình. Và, không nhất thiết cứ phải đưa hết các dự án luật, pháp lệnh vào chương trình chính thức. Để có tầm nhìn dài hơi hơn, bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh trình QH cho ý kiến, xem xét thông qua thì nên sắp xếp các dự án luật, pháp lệnh vào các chương trình dài hạn, trung hạn và ngắn hạn (chương trình chuẩn bị).

      Liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2009, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng phải căn cứ vào tính chất bức xúc và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn của cuộc sống để điều chỉnh các dự án luật, pháp lệnh dự kiến trình QH xem xét, thông qua trong năm 2009. Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị cần sớm đưa dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi)... trình QH xem xét, thông qua trong năm 2009. Điều này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về ngân hàng, tín dụng, tài chính... Và, quan trọng hơn, những dự án luật này nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Với quan điểm nếu hệ thống ngân hàng, tài chính xộc xệch sẽ ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế, niềm tin của người dân, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng: sớm đưa nhóm các dự án luật về tài chính, ngân hàng, tín dụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH là một trong những động thái nhằm thực hiện kế sâu rễ bền gốc.

      Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn đề nghị đẩy dự án Luật Thuế tài nguyên trình QH cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Năm và thông qua vào Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII. Sở dĩ phải đẩy sớm lên so với dự kiến Chương trình là nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về tài nguyên- vấn đề đang trở nên ngày càng bức xúc và lộn xộn. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn... nhất trí với đề nghị này. 

      Tờ trình về dự án Luật Bồi thường Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, nêu rõ các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu tính khả thi. Việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước nhằm tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ, hiệu quả để người bị thiệt hại thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm trước công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân... Dự thảo luật được xây dựng gồm 6 chương và 56 điều. Những nội dung Chính phủ trình xin ý kiến của UBTVQH liên quan đến trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong lĩnh vực lập quy; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng hình sự gây ra; Mức bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần; Thẩm quyền xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự...

      Về quản lý Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về bồi thường Nhà nước, một số Ủy viên UBTVQH đồng thuận với quan điểm nêu trong Báo cáo thẩm tra về dự án luật là không nên coi bồi thường Nhà nước là một lĩnh vực quản lý Nhà nước mà là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân trước các quyết định, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Việc bồi thường Nhà nước được đặt ra khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định công dân bị oan bởi hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)