Phiên họp thứ Mười tám của UBTVQH

24/03/2009

* Dự án Luật Tần số vô tuyến điện: Cần xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện

Ngày 20.3, ngày làm việc thứ ba của Phiên họp thứ Mười tám, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Tần số vô tuyến điện.

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện gồm 8 Chương, 48 Điều, quy định các hoạt động về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý tương thích điện từ, được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện tại Việt Nam. Tờ trình của cơ quan soạn thảo khẳng định, sự phát triển của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực KT-XH, an ninh, quốc phòng làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, tần số vô tuyến điện ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn. Báo cáo Thẩm tra sơ bộ của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: Dự án luật đã thể chế hóa được các chủ trương và quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tăng cường quản lý và đẩy mạnh tần số vô tuyến điện trong các lĩnh vực phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, Dự án Luật có thể trình QH xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ Năm tới.

Hầu hết các ý kiến tại phiên họp đều tập trung vào việc xác định rõ cơ quan quản lý Nhà nước đối với tần số vô tuyến điện. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi tán thành việc thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện với vai trò tư vấn cho Thủ tướng, nhưng cần phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ và vị trí của Ủy ban này với cơ quan quản lý Nhà nước mang tính chất thường xuyên. Những hoạt động quản lý thường xuyên liên quan đến tần số vô tuyến điện thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này cần phải làm rõ, nếu không sẽ bị chồng chéo. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lại đề nghị nên cân nhắc việc thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện. Và Ông lập luận: Từ Nghị quyết Trung ương, từ đại hội VIII đến nay cứ có tình trạng lập ra cơ cấu phụ để rồi lấn át cơ cấu chính mà trách nhiệm không rõ ràng. Chẳng lẽ Bộ trưởng, Thứ trưởng một Bộ không đủ sức tham mưu cho Chính phủ hay sao mà lại cứ phải lập ra các Ủy ban này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp giải trình rất cần Ủy ban này vì đã tham mưu rất tốt cho Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc phối hợp giữa an ninh, quốc phòng và vấn đề dân sinh trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin cũng như sử dụng tần số vô tuyến điện.

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đặt câu hỏi: Đấu giá về băng tần số dựa trên cơ sở nào? Tần số vô tuyến điện có tính đặc thù rất khó quản lý, liên quan nhiều đến quốc phòng và an ninh. Nên chăng phải đề cao quản lý Nhà nước, đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua một hệ thống tiêu chí để quyết định ai được sử dụng tần số nào. Tần số thương mại có tính giá trị cao do Thủ tướng Chính phủ quy định thì đồng thời Thủ tướng quy định luôn các tiêu chí có được không? Khi đã có một hệ thống tiêu chí rõ ràng, một cơ quan quản lý Nhà nước làm việc nghiêm minh thì sẽ lựa chọn được đúng đối tượng sử dụng phù hợp, không nhất thiết phải đấu giá, bởi không lấy mục đích kinh tế là chính. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp giải đáp, nếu biến quản lý hành chính thành quản lý công nghệ và kỹ thuật thì e là không khoa học và không hợp lý. Riêng vấn đề tần số vô tuyến điện, Bộ đã thực hiện quản lý theo vùng, đã khắc phục được khuyết điểm. Hiện toàn quốc có 8 trung tâm quản lý tần số vô tuyến điện, quá trình quản lý diễn ra hàng ngày, hàng giờ, cả ngày lẫn đêm, và tất cả quản lý đều bằng kỹ thuật. Đây là thành công cần phát huy. Nếu chia theo địa giới hành chính để quản lý sẽ vừa tốn kém, vừa chồng chéo, lãng phí, lại không bảo đảm an ninh quốc phòng. Xin hứa với UBTVQH với tư cách là Bộ trưởng, tôi đang điều chỉnh lại vấn đề này trong quản lý để bảo đảm khoa học, tiết kiệm.

 

VŨ ĐÀO

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)