Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII: Bảo đảm số lượng, nhưng phải kiên quyết chú ý tới chất lượng...

28/03/2009

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII sẽ khai mạc. Là Kỳ họp giữa năm, vậy nên, như thường lệ, Kỳ họp sẽ dành trọng tâm cho hoạt động lập pháp.

 Đóng góp ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp lần này, tại Phiên họp thứ Mười tám vừa qua, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng các cơ quan hữu quan cần rà soát lại một lần nữa các dự án luật sẽ trình QH xem xét, cho ý kiến và thông qua. Theo đó, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án luật nào chưa chuẩn bị kỹ. Diễn ra trong bối cảnh tình hình KT- XH có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với công tác xây dựng pháp luật, Kỳ họp thứ Năm cần dành thời gian thỏa đáng cho các vấn đề KT- XH...

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Bảo đảm số lượng và kiên quyết chú ý tới chất lượng

Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII là kỳ họp giữa năm, thường dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Diễn ra trong bối cảnh tình hình KT- XH đang có nhiều diễn biến phức tạp, tại Kỳ họp lần này, QH đứng trước yêu cầu, vừa phải xem xét, cho ý kiến và thông qua một số lượng khá nhiều các dự án luật và dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng, pháp lệnh của QH năm 2009 vừa xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện luật và nghị quyết của QH. Ví dụ như việc giãn thời gian thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, một số nội dung liên quan đến kinh tế, điều chỉnh chỉ tiêu... Vậy nên, yêu cầu đặt ra đối với Kỳ họp sắp tới là phải bố trí, sắp xếp và xác định rõ chương trình, nội dung các vấn đề đưa ra xem xét, thảo luận tại QH, vừa bảo đảm số lượng, nhưng phải kiên quyết chú ý tới chất lượng. 

Đối với những dự án luật dự kiến thông qua tại một Kỳ họp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ nội dung như thế nào, đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra, đặc biệt là UB Pháp luật, VPQH phối hợp với VP Chính phủ và các cơ quan soạn thảo rà soát lại lần cuối. Nếu thấy còn khó khăn, các cơ quan soạn thảo chưa chuẩn bị kịp thì đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi chương trình. Không thể cứ chạy theo các cơ quan soạn thảo mãi, rồi đùng một cái lại sửa chương trình kỳ họp thì khó, làm sao bảo đảm chất lượng các dự án luật trình QH xem xét, cho ý kiến hay thông qua. Chúng ta có đầy đủ tinh thần trách nhiệm, làm ngày, làm đêm để hoàn thành chương trình đã đề ra, nhưng nếu điều kiện chưa cho phép thì không cố.  Rút kinh nghiệm những năm trước, dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2010 lần này phải được làm thật kỹ, tránh tình trạng đưa vào, sau đó lại đề nghị đưa ra. 

Về các Báo cáo về tình hình KT- XH, ý kiến chung của UBTVQH lần này nhất trí là có một Báo cáo chung của Chính phủ, trong đó, đề cập đến các vấn đề về KT- XH của đất nước. Còn, những báo cáo chuyên đề bổ sung về tình hình KT- XH thì có thể gửi tài liệu cho ĐBQH tham khảo, nhưng tập trung phải là Báo cáo chung do Thủ tướng Chính phủ trình bày. 

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Hạn chế thấp nhất tình trạng "đưa vào, đưa ra" các dự án luật

Về phiên họp của UBTVQH từ nay đến khi khai mạc Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII, tôi đồng ý phải bố trí thêm một phiên họp tháng 5 của UBTVQH. Trong phiên họp tháng 5 này, đề nghị đại diện Chính phủ và các cơ quan hữu quan thảo luận kỹ lưỡng về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2010, hạn chế thấp nhất tình trạng thay đổi quá nhiều, đưa vào, đưa ra các dự án luật.

Về nội dung của Kỳ họp, đề nghị cũng phải liên hệ, thông báo trước với Chính phủ về những nội dung thuộc thẩm quyền của QH. Bấy lâu nay, Chính phủ hay gửi văn bản sang xin ý kiến của UBTVQH, thậm chí trong một số trường hợp không phải là văn bản của Chính phủ mà chỉ là văn bản của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính. Những văn bản này, ghi là thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đầu đề văn bản, chữ ký và con dấu là của Bộ. Chúng tôi kiên quyết không chấp nhận hình thức văn bản trình với UBTVQH như vậy.

Năm 2009, tôi thấy dự toán ngân sách nhà nước khác năm 2008. Năm 2008, mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế có điều chỉnh giảm xuống, nhưng ngân sách không điều chỉnh, bởi lúc đó giá dầu vẫn tiếp tục tăng. Việc không điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước là hợp lý. Bước sang năm 2009, kinh tế có khả năng tụt xuống, đồng thời giá dầu cũng tụt xuống hẳn, bây giờ đã chìm nghỉm ở dưới. Cộng với các khoản thu liên quan đến xuất nhập khẩu thì gần như ngân sách sẽ bị hụt thu tương đương với toàn bộ phần chi đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách nhà nước, khoảng 70 - 90 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước năm 2009 có khả năng cơ bản chỉ đáp ứng cho nhu cầu chi thường xuyên. Đây là vấn đề lớn. Trong chương trình Kỳ họp thứ Năm, phải bố trí thời gian để QH thảo luận về nội dung này.

Liên quan đến một số dự án luật thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp, đến thời điểm hiện tại, chưa thấy hình hài những dự án luật này như thế nào. Chẳng hạn như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh tra hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến xây dựng cơ bản... Là những dự án luật trình QH xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp, nhưng đâu phải là những dự án luật đơn giản. Đề nghị, đối với những dự án luật thông qua tại 1 kỳ họp thì thời gian trình và thời gian tiếp thu, chỉnh lý và thông qua phải giãn tương đối dài. 

Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Đề nghị Chính phủ có Báo cáo bổ sung về việc làm và giải quyết tình trạng mất việc làm

Liên quan đến các Báo cáo KT- XH của đất nước, theo đề xuất nêu trong Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm sắp tới là nên có thêm một số Báo cáo chuyên đề bổ sung cho Báo cáo về tình hình KT- XH. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều lao động bị mất việc làm. Tại Phiên họp thứ Mười tám, UBTVQH đã nghe và chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân về nội dung việc làm và giải quyết tình trạng mất việc làm của người lao động. Tôi cho rằng, từ đầu năm đến nay, đây tiếp tục là vấn đề đang cần sự ưu tiên. Do vậy, đề nghị Chính phủ có một báo cáo bổ sung liên quan đến vấn đề việc làm và giải pháp để giải quyết tình trạng mất việc làm gửi tới các ĐBQH, góp thêm cơ sở cho các phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình KT- XH. Nếu chỉ nêu trong Báo cáo chung của Thủ tướng Chính phủ hoặc trong Báo cáo thẩm tra về tình hình KT- XH của UB Kinh tế e là sẽ không đề cập được hết các khía cạnh của diễn biến phức tạp của nền kinh tế.

Nguyễn Vũ lược ghi

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)