Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể

15/04/2009

Ngày 9, 10, 11 và 13.4 năm 2009, Uỷ ban Pháp luật đã họp phiên toàn thể tại Hà Nội để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, dự án Luật biển Việt Nam; đồng thời, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bồi thường nhà nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự và phát biểu.

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, các thành viên Ủy ban đã tập trung đánh giá bước đầu về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009. Các ý kiến đều cho rằng, Chương trình này vừa được thông qua cách đây chưa đầy 5 tháng nhưng đã có rất nhiều đề nghị thay đổi do tiến độ và chất lượng chuẩn bị các dự án không được bảo đảm. Dẫn đến tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, như việc dự kiến Chương trình còn chưa sát thực tế, chưa dự báo được đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi chưa cao; trong việc xem xét, đưa các dự án vào Chương trình vẫn còn có sự nể nang, thiếu kiên quyết, một số dự án chưa được xem xét toàn diện cả về nội dung, phạm vi điều chỉnh, chưa tính kỹ đến khả năng, điều kiện thực tế và những đặc thù của lĩnh vực cần xây dựng dự án... Từ đó, kiến nghị những giải pháp khắc phục để Chương trình xây dưng luật, pháp lệnh năm 2010 có tính khả thi cao.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ, các thành viên Ủy ban đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự án. Do đó, về cơ bản đều tán thành những quan điểm, nhiều nội dung dự kiến sửa đổi và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung này phải kế thừa được các quy định của pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, bảo đảm phù hợp với các quy định phổ cập của pháp luật quốc tế, có tính đến những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Về dự thảo Luật Bồi thường nhà nước: các thành viên Ủy ban đã tập trung thảo luận kỹ về các vấn đề như bố cục, phạm vi điều chỉnh, bản chất trách nhiệm bồi thường nhà nước, hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, vấn đề quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường... Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh lại tên gọi là “Luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” nhằm thể hiện rõ chủ thể có trách nhiệm bồi thường là Nhà nước.

Thành Trung

(http://nguoidaibieu.com.vn/)