Ủy ban Kinh tế QH: Trọng tâm đến cuối năm là ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy phát triển kinh tế

27/05/2009

Ủy ban Kinh tế của QH sáng 26-5 đã đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% để Quốc hội xem xét, quyết định; yêu cầu khống chế lạm phát ở mức một con số; không nhất thiết phải tăng bội chi quá lớn và nhất trí hạ chỉ tiêu xuất khẩu từ 13% xuống 3%.

9/25 chỉ tiêu không đạt

Báo cáo Thẩm tra Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình triển khai nhiệm vụ KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2009 của Ủy ban Kinh tế cho biết, trong số 25 chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu mang tính tổng hợp chỉ đạt 6,18%, thấp khá xa so với kế hoạch (7%).

Chín chỉ tiêu không đạt kế hoạch

(1)Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,2%, kế hoạch là 7%; (2) tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 41,3%, kế hoạch là 42%; (3) tạo việc làm 1,615 triệu người, kế hoạch là 1,7 triệu người; (4) tỷ lệ hộ nghèo 12,1-12,5%, kế hoạch là 11-12%; (5) tuyển mới trung học chuyên nghiệp là 16%, kế hoạch là 16,5%; (6) mức giảm tỷ lệ sinh 0,1%, kế hoạch là 0,3%; (7) tỷ lệ xử lý chất thải y tế 70%, kế hoạch là 86%; (8) cung cấp nước sạch cho đô thị 80%, kế hoạch là 85%; (9) tỷ lệ che phủ rừng 39%, kế hoạch là 40%.

Sáu chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn

Ủy ban Kinh tế so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2008), có 10 chỉ tiêu thay đổi, trong đó có 6 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn, như: chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn 4,11%; tổng thu cân đối NSNN tăng 4,45% (17.783 tỷ đồng), tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn 0,6-1%, tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 21,6% so với số đã báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế ra nhận định tình hình kinh tế thế giới đang ở giai đoạn suy thoái sâu và kéo dài, tiếp tục có những diễn biến khó xác định, triển vọng phục hồi chưa rõ nét. Do đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải chịu ảnh hưởng không thuận lợi về thương mại, đầu tư và cùng với những khó khăn mang tính nội tại sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách cao hơn, cân đối ngoại tệ gặp nhiều khó khăn do nguồn thu ngoại tệ bị suy giảm, một bộ phận nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đình hoãn thực hiện các dự án, công trình, thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến việc làm bị cắt giảm, thu nhập không ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một bộ phận không nhỏ người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu kinh tế một số nước sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến với những chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ của các Chính phủ; đối với nền kinh tế nước ta cũng có những yếu tố thuận lợi rất căn bản như là: nhu cầu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là rất lớn, lạm phát đã được kiềm chế căn bản; nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn được đánh giá là khá cao; gói kích thích kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ sẽ phát huy hiệu ứng cao hơn trong những quý tiếp theo, cùng với những kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, lắng nghe các ý kiến phản hồi từ nền kinh tế để điều chỉnh chính sách cho phù hợp, nhờ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng được cải thiện.

Kết quả KT-XH bốn tháng đầu năm 2009

Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ là trong 4 tháng đầu năm 2009, nền kinh tế đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực khá rõ nét trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Chính trị, xã hội tiếp tục được ổn định. Tuy nhiên, kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm cũng cho thấy còn nhiều dấu hiệu hết sức khó khăn và thách thức, đó là:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I sụt giảm mạnh, chỉ còn 3,1% so với 5,65% của quý IV năm 2008, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

- Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 120.135 tỷ đồng, tuy đạt 30,8% so với dự toán nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008: giảm 18%; riêng thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu quý I năm 2009 thấp hơn cùng kỳ năm 2008 lần lượt là 6,9%, 40,8%, 17,6%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2008, nhưng vẫn đạt thấp, ước đạt 19% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ 4 tháng mới đạt khoảng 8% kế hoạch.

- Nếu loại trừ yếu tố không thường xuyên là xuất khẩu đá quý, kim loại quý (2,5 tỷ USD) thì kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% so với cùng kỳ, nhập siêu trên 1,7 tỷ USD.

- Số lao động mất việc làm, phải giãn ca, giảm giờ làm tăng lên, thu nhập giảm làm cho đời sống của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này có thể sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội.

 Từ kết quả đạt được của 4 tháng đầu năm 2009 với nét chủ đạo là kinh tế tăng trưởng ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng ổn định; trên cơ sở những dự báo, phân tích và nhận định tình hình, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù vẫn tiềm ẩn yếu tố lạm phát trở lại, nhưng về cơ bản đã được ngăn chặn. Nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới cuối năm là cần tập trung ngăn chặn suy giảm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Do vậy, Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh bốn chỉ tiêu chủ yếu, gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế, bội chi ngân sách nhà nước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và chỉ số giá tiêu dùng, còn các chỉ tiêu khác giao Chính phủ điều hành cụ thể.

Cần làm rõ cơ sở đề xuất giảm GDP xuống 5%

Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, hầu hết các ý kiến đều đề nghị cần điều chỉnh giảm, nhưng đề xuất các mức khác nhau, cụ thể là: 5-5,5%, 5%, 4,5-5% hoặc thấp hơn. Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù thách thức là lớn, nhưng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế rất cao, nếu tập trung tháo gỡ được một số điểm nghẽn (thí dụ như thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính), sớm cụ thể hóa chương trình kích thích kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hệ thống các giải pháp chống suy giảm kinh tế, đặc biệt là giải ngân hết các nguồn vốn đầu tư thì chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những quý tiếp theo; đồng thời cũng nhất trí cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng, do tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,1% nên mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả năm 5% là một thách thức rất lớn. Bởi vì, giả định GDP có tốc độ tăng dần qua các quý, muốn đạt tăng trưởng bình quân cả năm 5% thì phải có gia tốc tăng mỗi quý còn lại là khoảng 1,3%, theo đó, quý II đạt 4,4%, quý III đạt 5,7%, quý IV đạt 7%; tức là đã đạt gần mức tăng của quý I năm 2008 (giai đoạn trước khủng hoảng). Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo phân tích làm rõ cơ sở và tính thực tế của việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5% để Quốc hội xem xét, quyết định.

Không nhất thiết phải tăng bội chi quá lớn

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với nhận định của Chính phủ là thu ngân sách nhà nước năm 2009 không thể đạt mức dự toán thu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, do suy giảm kinh tế làm giảm thu nhập và lợi nhuận của các doanh nghiệp, do giá dầu thô quốc tế giảm mạnh, do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Đồng thời, các thành viên cũng đồng thuận về mặt nguyên tắc không thực hiện cắt giảm kế hoạch chi tiêu, nhất là chi đầu tư phát triển.

Do vậy, cơ bản nhất trí về sự cần thiết tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009. Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua mức bội chi ngân sách nhà nước tối đa là 8% GDP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, còn một số khoản chi chưa được tính vào cân đối ngân sách, thí dụ nguồn vốn phát hành trái phiếu, nguồn tạm ứng ngân sách...

Theo tính toán của Chính phủ, mức hụt thu ngân sách năm 2009 ước tính khoảng 48.000-87.000 tỷ đồng, trong đó: hụt thu do suy giảm kinh tế khoảng 12.000 tỷ đồng, do miễn, giảm, giãn thuế khoảng 28.000 tỷ đồng, do giảm giá dầu thô khoảng 27.000 đến 47.000 tỷ đồng (khi giá dầu thô giảm xuống từ 60-40 đô la Mỹ/thùng). Chính phủ dự tính sẽ áp dụng các biện pháp tăng thu thông qua điều chỉnh thuế, phí xăng dầu, giá điện, than,… sẽ làm tăng thu khoảng 19.000 đến 25.000 tỷ đồng…

Mặt khác, số vượt thu ngân sách năm 2008 là khá lớn (hơn 60.000 tỷ đồng); chuyển nguồn kế hoạch ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỷ đồng. Nếu sử dụng một phần số vượt thu năm 2008 bù hụt thu ngân sách năm 2009 thì không nhất thiết phải tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 quá lớn, nhất là trong điều kiện việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư còn nhiều bất cập. Do đó, đa số ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán khả năng thu, chi ngân sách để xác định mức bội chi cụ thể cần thiết, theo xu hướng giảm tối đa bội chi ngân sách và thực hiện được các giải pháp chống suy giảm kinh tế.

Khống chế lạm phát ở mức một con số

Đa số các thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng (từ tháng 11-2008 đến tháng 4-2009) chỉ tăng 0,24% (tháng 11 và tháng 12- 2008 giảm 1,44%, 4 tháng đầu năm 2009 tăng 1,68%), và nhiều khả năng tiếp tục tăng ở mức thấp từ nay tới cuối năm.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố sẽ đẩy CPI tăng cao hơn so với những tháng vừa qua, đó là: giá điện, than,… sẽ được điều chỉnh theo nguyên tắc giá thị trường; từ ngày 1-5-2009 điều chỉnh mức lương tối thiểu và đặc biệt là gói kích thích kinh tế có giá trị rất lớn đang triển khai sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư, hàng hóa, qua đó đẩy mặt bằng giá cao hơn.

Mặt khác, với sự biến động nhanh, đa dạng của thị trường thế giới, phụ thuộc lớn vào biến động của giá dầu mỏ, việc xác định một chỉ số lạm phát cụ thể là khó khăn. Bởi vậy, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu CPI từ dưới 15% xuống dưới 10% (khống chế ở mức một con số).

Giảm chỉ tiêu xuất khẩu từ 13% xuống 3%

Về chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu: do tác động của suy thoái kinh tế, nhu cầu, giá cả trên thị trường quốc tế đều giảm đáng kể; nhiều quốc gia thực hiện chính sách khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ mậu dịch, làm cho khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu nước ta gặp khó khăn lớn. Bởi vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2009 khó có thể đạt chỉ tiêu tăng 13% như dự kiến (4 tháng đầu năm ước đạt 18,64 tỷ USD, nhưng nếu loại trừ yếu tố không thường xuyên là xuất khẩu đá quý, kim loại quý, thì kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% so với cùng kỳ).

Nhiều ý kiến trong Ủy ban  Kinh tế cho rằng, trong điều kiện khó khăn của năm 2009, nhất là giá cả giảm mạnh so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đạt mức như năm 2008 cũng là thành công. Do đó, Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ giảm chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 từ 13% xuống 3%.

Phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Ngoài ra, để tạo nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế, Ủy ban Kinh tế đồng ý với đề xuất của Chính phủ cho phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư vào các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ tiếp tục thực hiện 5 nhóm giải pháp đã đề ra, và bổ sung thêm một số nhiệm vụ cụ thể, như về cân đối ngân sách, miễn thuế thu nhập cá nhân, thực hiện thêm các ưu đãi về chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh sáu vấn đề cần tập trung là: (1) Đẩy mạnh kích cầu; (2) Tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh hiện thực hóa gói kích thích kinh tế một cách sớm nhất, tối đa hóa hiệu ứng kích thích kinh tế; (3) Chú trọng chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả; (4) Các vấn đề xã hội; (5) Về môi trường; (6) Công tác thông tin, tuyên truyền.

Phiên thảo luận về kinh tế – xã hội được truyền hình trực tiếp, dự kiến kéo dài đến hết buổi sáng mai 27-5, được đánh giá là hết sức quan trọng và sôi động, nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp về mọi mặt đời sống.

 

XUÂN BÁCH

(http://www.nhandan.com.vn)