Ngày làm việc thứ tám, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện và chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

31/10/2013

Ngày 30-10, ngày làm việc thứ tám, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII.

Buổi sáng, các đại biểu (ÐB) QH làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện (TÐ) và Báo cáo thẩm tra về nội dung này; Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ðấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Buổi chiều, các ÐBQH làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Ðấu thầu (sửa đổi).

Chú trọng quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn công trình thủy điện

Mở đầu phiên họp, QH nghe Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện; nghe Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Báo cáo thẩm tra cho biết: Ðến nay, các địa phương có dự án, công trình TÐ trên cả nước đã được rà soát quy hoạch. Ðã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Cả nước hiện còn 815 dự án, công trình TÐ; đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án... Trong đó, trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch TÐ, đặc biệt là TÐ nhỏ còn hạn chế. Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình TÐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TÐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Việc xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình TÐ vừa và nhỏ khu vực miền trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TÐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích... đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình. Có không ít công trình TÐ trong quá trình vận hành, chủ đầu tư thường quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các TÐ nhỏ; chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ... Do vậy, tình hình trên đặt ra công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn đối với công trình TÐ, đặc biệt là TÐ vừa và nhỏ phải được đặt lên hàng đầu; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa TÐ, cụ thể là các quy định về kiểm định, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật...

Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu

Tiếp đó, các ÐBQH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ðấu thầu (sửa đổi) của UBTVQH. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Ðấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các ÐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm; gửi xin ý kiến các Ðoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự án Luật.

Thảo luận về dự thảo luật này, các đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Lê Công Ðỉnh (Long An) và một số đại biểu khác cho rằng, việc sửa đổi Luật Ðấu thầu đã thể hiện cơ bản các quan điểm theo định hướng đổi mới công tác đấu thầu, đó là: Nội dung  dự thảo luật lần này quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, khắc phục được những sơ hở của luật hiện hành, hạn chế tình trạng các nhà đầu tư "lách luật" trong công tác đấu thầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, bảo đảm cho các chủ đầu tư cạnh tranh lành mạnh trong công tác đấu thầu. Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu (Ðiều 6) được nhiều đại biểu QH quan tâm và cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về tổ chức đấu thầu trong các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, đồng thời cụ thể hơn nữa các điều kiện tham dự đấu thầu; quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu. Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa các cá nhân có thẩm quyền của nhà thầu và cá nhân có thẩm quyền của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư và những cá nhân có quan hệ nhân thân liên quan; giữa các nhà thầu trong cùng một tập đoàn, tổng công ty nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực trong đấu thầu.

Các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Ðặng Ðình Luyến (Khánh Hòa) cùng một số đại biểu khác quan tâm Ðiều 22 về chỉ định thầu. Theo đó, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách, như: khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu... Bên cạnh đó, một số quy định tại Ðiều này còn quá rộng, dễ dẫn đến hiện tượng lách luật để được chỉ định thầu. Ban Soạn thảo cần rà soát chặt chẽ các quy định theo hướng hạn chế chỉ định thầu, qua đó ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, lách luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu thêm về hạn mức chỉ định thầu để bảo đảm phù hợp tình hình thực tế, ngăn chặn tình trạng có quá nhiều chương trình, dự án được chỉ định thầu.

Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định các hình thức đấu thầu dự án liên quan đến sử dụng nguồn vốn ODA trong dự thảo luật, vì Việt Nam đã coi nguồn vốn ODA là nguồn ngân sách của Nhà nước; việc tổ chức đấu thầu các dự án có nguồn vốn ODA cần phải quy định chặt chẽ, tránh tình trạng làm thất thoát ngân sách nhà nước. Ðồng thời, trong quá trình đấu thầu các dự án, cần ưu tiên cộng đồng  trong nước tham gia các gói thầu thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, nhằm thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.

Ðại biểu Hà Sĩ Ðồng (Quảng Trị) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ hơn nội dung quy định độc lập về pháp lý và tài chính. Việc xem xét, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước cũng phải tuân theo quy định của Luật Ðấu thầu, không phân biệt vốn đầu tư dự án được huy động từ nguồn vốn nào, bảo đảm cho các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Ðồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định thêm về thời gian thực hiện gói thầu. Vì thực tế cho thấy, nhiều gói thầu, chủ đầu tư kéo dài thời gian hoàn thành, gây lãng phí công sức, tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động và môi trường sống của nhân dân.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)