Quốc hội thảo luận Luật Công chứng, quy hoạch thủy điện

02/11/2013

Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch thủy điện.

Thảo luận về kết quả quy hoạch tổng thể về thủy điện, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển thủy điện là hết sức cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, điện khí hóa nông thôn, phát triển đất nước. Việc phát triển thủy điện thời gian qua là nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước trong giải quyết điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, phát triển thủy điện còn thiếu chặt chẽ, tình trạng quy hoạch tràn lan xảy ra ở nhiều địa phương, vùng miền, gây nguy cơ thiệt hại nhiều diện tích rừng, tác động xấu tới môi trường sinh thái, sản xuất của người dân.

Các đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét vấn đề thực hiện cam kết trồng lại rừng sau khi phát triển thủy điện thời gian qua như thế nào. “Vấn đề trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách môi trường đã nêu cơ bản nhưng tôi đề nghị cần thống kê rà soát đầy đủ diện tích đất rừng bị mất,” Đại biểu Lê Thị Tám, đoàn Nghệ An nói. “Cần nêu cụ thể rõ diện tích đất rừng bị mất do làm thủy điện trên cả nước. Nêu rõ diện tích trồng rừng thay thế và bao nhiêu diện tích chưa trồng được, nguyên nhân vì sao.”

Nhiều đại biểu đánh giá cao việc rà soát, loại bỏ trên 400 dự án thủy điện của Chính phủ. Tuy nhiên đối với những dự án thủy điện triển khai trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Tấn, đoàn Nghệ An, đại biểu Nie Thuật, đoàn Đắk Lắk cho rằng, các dự án cần đảm bảo yếu tố kỹ thuật, đảm bảo công tác di dân và đảm bảo ít tác động xấu môi trường.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân – đoàn Hải Phòng đặt vấn đề quản lý thủy điện phải gắn liền với quản lý thủy lợi, tạo sự hài hòa. Đại biểu nêu ý kiến: “Việc Chính phủ rà soát loại khỏi hàng trăm dự án là cần thiết, cân đong đo đếm về lợi ích đem lại với sự phá hủy về tài nguyên môi trường và cả đời sống người dân. Cần tập trung một số thủy điện lớn trên một số nhánh sông có độ chênh lệch tạo ra thủy lực lớn kết hợp thủy điện và thủy lợi, tạo ra sự hài hòa nguồn nước cho công trình thủy lợi và thủy điện.”

Đại biểu Lê Nam – đoàn Thanh Hóa, Trần Ngọc Vinh – đoàn Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ giải thích rõ việc dừng, tạm hoãn triển khai các dự án thủy điện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng điện của cả nước và có xảy ra tình trạng thiếu điện hay không; thiệt hại của việc dừng, tạm hoãn các công trình, dự án thủy điện như thế nào.

Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét hiệu quả kinh tế và độ an toàn của các dự án đang vận hành, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ và vừa. Nếu không an toàn thì cần thiết phải đóng cửa hoặc có biện pháp khắc phục nguy cơ mất an toàn.

Thảo luận dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, đại biểu tập trung góp ý về phạm vi công chứng, đối tượng được miễn đào tạo ngành nghề công chứng viên, về chủ trương xã hội hóa nghề công chứng và quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng.

Góp ý vào điều 2 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Quang – đoàn Thanh Hóa đồng tình sự cần thiết phải mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, trong đó giao cho công chứng viên chứng nhận chữ ký người dịch thay vì để các Phòng tư pháp cấp huyện chứng thực như hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về giá trị pháp lý ngang nhau khi chứng thực ở phòng tư pháp cấp huyện và văn phòng công chứng.

Đối với quy định xã hội hóa hoạt động công chứng, đại biểu Lê Minh Thông – đoàn Thanh Hóa cho rằng, dự thảo nêu quy hoạch văn phòng công chứng dựa theo đơn vị hành chính lãnh thổ là không phù hợp, bởi hoạt động của văn phòng công chứng vì lợi nhuận kinh tế và theo nhu cầu của xã hội.

Dự kiến, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sẽ được đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường vào ngày 12/11 tới./.

 

Nguyên Nhung/VOV-Trung tâm Tin

(http://vov.vn/)