Ngày làm việc thứ 15, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm

09/11/2013

Ngày 7-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 15. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH 13 của QH; và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

 Nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nhất là công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật. Ðại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Ðịnh); Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, tội phạm về trật tự xã hội vẫn đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp sự bình yên của nhân dân. Nhưng công tác phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng vẫn ở thế bị động và chưa giải quyết dứt điểm tận gốc căn nguyên dẫn đến tội phạm gia tăng.

Các đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) nhận xét, thời gian qua, nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động ngang nhiên tại một số địa phương, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang trong nhân dân, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nguyên nhân do thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy, chính quyền địa phương và chưa phát huy được hết sức mạnh của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm. Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Nguyễn Ðình Quyền (TP Hà Nội)  tội phạm hình sự gia tăng, manh động, nguyên nhân một phần do sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Các đại biểu đề nghị, bên cạnh sự nỗ lực của ngành công an, cần sự vào cuộc nghiêm túc của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội nhằm nhanh chóng, kiềm chế và đẩy lùi tội phạm. Nhiều đại biểu cho rằng, các ngành chức năng cần triển khai các đợt cao điểm truy quét các loại tội phạm, góp phần mang lại sự bình yên cho nhân dân.

Ðề cập công tác đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), tội phạm về môi trường đang ở mức đáng báo động, mặc dù nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường bị phát hiện, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với thực tế. Nguyên nhân là do thiếu sự kiểm tra, phát hiện để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng khi bị phát hiện vẫn chủ yếu xử phạt hành chính, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Thậm chí, nhiều vụ vi phạm về môi trường diễn ra nhưng cơ quan chức năng không điều tra, xử lý kịp thời, dẫn đến người dân phải tự tìm chứng cứ và đề nghị sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, từ đó cơ quan chức năng mới tiến hành điều tra, như vụ chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật ở Thanh Hóa vừa qua. Ðại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi, liệu có sự bao che của cán bộ cơ quan nhà nước trong các vi phạm môi trường hay không? Nhiều đại biểu phản ánh, thời gian qua cử tri bất bình và bức xúc khi thấy cán bộ công chức nhũng nhiễu, sai phạm nhưng không bị phát hiện và xử lý. Cử tri càng bức xúc và bất bình hơn khi cán bộ công chức đó đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý.

Liên quan đến các hoạt động tư pháp, một số đại biểu nêu nhiều bất cập hiện nay trong công tác điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến nhiều vụ việc oan sai, bỏ lọt tội phạm. Ðại biểu Ðào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đề nghị, các ngành chức năng cần đưa ra biện pháp hữu hiệu giải quyết triệt để tình trạng án bị hủy, bị sửa, án oan sai và xử lý nghiêm cán bộ thụ lý làm oan sai. Ðối với các ngành công an, tòa án, kiểm sát cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, siết chặt kỷ cương, tránh để xảy ra tình trạng oan sai.

Xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng           

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bên cạnh ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được trong thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra. Thực tế cho thấy, những vụ tham nhũng bị phát hiện chủ yếu ở mức độ nhỏ, những vụ tham nhũng lớn rất ít bị phát hiện và không phản ánh đúng thực tế tình trạng tham nhũng hiện nay. Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa đạt yêu cầu và đã đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng là những biện pháp đó sẽ được triển khai như thế nào, vì thực tế, chúng ta không thiếu cơ chế chính sách và chế tài xử lý tham nhũng, nhưng hiệu quả của công tác này vẫn ở mức khiêm tốn. Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (TP Hà Nội) và một số đại biểu khác đề cập những nội dung liên quan công tác cán bộ, công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cần tiếp tục được  triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch từ T.Ư đến cơ sở. Nhưng các bản kê khai đó chưa công khai để người dân giám sát, nên việc phát hiện những dấu hiệu bất minh từ những bản kê khai đó rất khó khăn.

Các đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, thực tế công tác tự phát hiện tham nhũng tại các đơn vị rất thấp, chủ yếu phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra và phản ánh của báo chí và người dân. Do vậy, cần có biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện tại các cơ quan đơn vị và có cơ chế bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cần có biện pháp tăng cường tính chặt chẽ trong chính sách, nhất là chính sách về mua sắm tài sản công, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Cần nhiều biện pháp đồng bộ và đủ mạnh

Các đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Ðỗ Kim Tuyến (TP Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Hơn nữa, cần quan tâm khắc phục những bất cập và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), Nguyễn Ðình Quyền (TP Hà Nội), nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, vững mạnh.

Tại phiên thảo luận, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm. Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang cho biết, trong thời gian tới sẽ  tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, kết hợp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đẩy mạnh tiến công trấn áp các loại tội phạm, liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua, bán người, tội phạm kinh tế, chức vụ và tham nhũng.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung được nhiều đại biểu quan tâm về những giải pháp nhằm tăng cường chất lượng hoạt động công tố, chống bỏ lọt tội phạm và nâng cao chất lượng tranh tụng. Ðồng thời, thông tin đến các đại biểu diễn biến chung quanh vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

 Ðại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Các cơ quan chức năng cần đề cao trách nhiệm

Hiện nay, một bộ phận cán bộ có chức quyền thoái hóa, biến chất trong cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở bảo kê để doanh nghiệp và các băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách, bến bãi, họp chợ, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường... Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng một số địa phương không xử lý. Trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Ngoài ra, sự can thiệp của những người có chức quyền cấp trên đối với cấp dưới khi có vi phạm, tội phạm xảy ra là tương đối phổ biến, làm lệch lạc hoạt động của các cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ, làm cho các cơ quan tư pháp thiếu độc lập; nhất là khi xử lý những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, chức vụ.

 Ðại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Còn nể nang, bao che trong xử lý cán bộ sai phạm

Việc tăng cường phát hiện, xử lý cán bộ sai phạm thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, số cán bộ, công chức sai phạm bị phát hiện và xử lý chưa nhiều. Việc phát hiện chủ yếu qua báo chí, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Cán bộ sai phạm ở nhiều tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan đơn vị chưa bị xử lý. Nguyên nhân do các cơ quan, địa phương, đơn vị đó thiếu sự quyết liệt và đồng bộ trong quá trình phát hiện và xử lý cán bộ sai phạm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Ðà Nẵng): Không để suy giảm lòng tin của nhân dân

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, nhiều vụ án lớn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, nhưng xử lý kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân. Liệu trong lực lượng phòng, chống tham nhũng có tiêu cực, bao che cho tham nhũng hay không? Tôi đề nghị cần thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác phòng, chống tham nhũng trực thuộc QH hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư. Lực lượng này cần thật sự tinh nhuệ, có đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ và được đãi ngộ xứng đáng... Như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng, không để kéo dài như hiện nay, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

(http://www.nhandan.com.vn/)