Ngày làm việc thứ mười, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Nghe trình Ðề án Ðổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014 và các dự thảo luật

01/06/2009

Ngày 30-5, QH làm việc tại Hội trường nghe các thành viên Chính phủ trình bày tờ trình Ðề án Ðổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2014, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; dự án Luật Cơ yếu; Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam trình bày tờ trình dự án Luật Người cao tuổi và thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.

Xây dựng nền giáo dục chất lượng ngày càng cao

Buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình Ðề án Ðổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009- 2014. Mục tiêu của Ðề án nhằm xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo; xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng tốt. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm, số  lượng các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở nước ta ngày càng nhiều, trong khi cơ chế tài chính giáo dục vẫn chưa thay đổi về chất so với trước đây. Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán... Các địa phương, các bộ, ngành không có báo cáo về tình hình và hiệu quả sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Vì vậy, Bộ không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi. Mức học phí quá thấp, dưới khả năng chi trả của người dân ở các vùng đô thị, không phù hợp mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua...

Ðề án Ðổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo gồm tám nội dung, trong đó đề cập việc xác định nhu cầu tài chính cho các mục tiêu phát triển giáo dục; xác định các nguồn lực từ ngân sách, xã hội và các giải pháp huy động, sử dụng tài chính khả thi và hiệu quả; quy định về thẩm quyền quyết định mức học phí và xác định mức học phí của các cơ quan trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục; xây dựng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc học tập của nhân dân...

Báo cáo thẩm tra Ðề án của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH do Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi trình bày, cho biết, đa số thành viên Ủy ban cho rằng Ðề án được xây dựng công phu, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và đưa ra những ý tưởng, cách thức mới trong việc đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Chung quanh nội dung xác định học phí và hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng: Khi người học chấp nhận đóng học phí cao hơn thì họ có quyền chính đáng đòi hỏi phía cơ sở giáo dục phải cam kết  bảo đảm chất lượng giáo dục tương xứng  mức học phí đã thu. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần công bố tiêu chuẩn thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể đối với "chất lượng chuẩn" làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng.  Ðối với giáo dục mầm non và phổ thông, nếu áp dụng ngay từ đầu mức học phí trần như Ðề án đề xuất thì mức tăng quá lớn và đột ngột đối với một số địa phương và một bộ phận học sinh. Bởi vậy, nên có lộ trình tăng dần từng năm và mức học phí trần dự kiến chỉ nên áp dụng vào năm cuối của Ðề án.

Về tổ chức thực hiện, việc xác định thu nhập của hộ gia đình là rất phức tạp. Do đó cần có sự nỗ lực và nghiêm túc của chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm của các ngành chức năng như giáo dục, tài chính trong việc xác định thu nhập bình quân của hộ gia đình và mức học phí của mỗi học sinh. Ủy ban này đề nghị tách riêng khung học phí của trung cấp nghề đối với đối tượng sau trung học cơ sở và quy định mức học phí phù hợp theo quan điểm nói trên. Ủy ban đề nghị đối với năm học 2009 - 2010 chấp nhận tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp (trừ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp sau tốt nghiệp trung học cơ sở) ở mức không quá 1/3 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000 đến 2009.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình bày Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm tám chương, 81 điều quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề và cơ sở nghề khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh... Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa quan điểm của Ðảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay cũng như yêu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, Ủy ban này nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban nhấn mạnh thêm một số vấn đề, như: Việc xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ góp phần bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (KCB), cũng như đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng KCB.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ góp phần tạo ra môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở KCB của Nhà nước với cơ sở KCB tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Báo cáo thẩm tra cũng đề cập tính khả thi, hiệu quả của luật trong việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và bố cục của dự thảo Luật; việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi

Các đại biểu cũng đã nghe Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh trình bày Dự án Luật Người cao tuổi, gồm bảy chương, 30 điều với các điểm mới so với Pháp lệnh Người cao tuổi là các quy định được thay đổi mang tính quy phạm hơn, giảm các điều khoản mang tính nghị quyết, khẩu hiệu.

Dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội Người cao tuổi và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với công tác người cao tuổi. Dự thảo luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ mang tính đặc thù của nhóm người cao tuổi. Ðiều chỉnh, sửa đổi một số quy định của pháp lệnh hiện hành để phù hợp một số luật mới được ban hành, đồng thời bổ sung và quy định cụ thể hơn một số chính sách trong: chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, giao thông công cộng; chúc thọ, mừng thọ, tang lễ; xã hội hóa theo hướng ưu tiên lứa tuổi, đối tượng; bảo đảm công bằng hơn, bổ sung các quy định liên quan cơ sở chăm sóc người cao tuổi và Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Ðối tượng người cao tuổi được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước được mở rộng hơn.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, cho rằng, thực tế thời gian qua một số dịch vụ như vận chuyển hành khách bằng máy bay, đường sắt, một số dịch vụ vui chơi, giải trí... đã thực hiện việc ưu đãi giá cho người cao tuổi khi họ tham gia dịch vụ. Tuy nhiên, số lượng, mức độ ưu đãi hạn chế. Các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ thì hầu như chưa thực hiện ưu đãi người cao tuổi. Mặc dù vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nội dung Ðiều 15, song đa số đều nhất trí cho rằng nên quy định mang tính nguyên tắc như trong dự án luật để Chính phủ tùy vào từng thời điểm cụ thể, điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực kinh doanh sẽ quy định mức giảm giá phù hợp đối với người cao tuổi. Mặt khác, vấn đề này cũng liên quan các quy định của nhiều văn bản pháp luật khác về kinh doanh, tài chính, thuế và đầu tư, do đó việc quy định về nguyên tắc như Ðiều 15 là phù hợp.

Về nội dung phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi, Ðiều 4 và Ðiều 9 dự thảo luật đã thể hiện quan điểm gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi. Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy nhiều người cao tuổi ở nước ta đang sống trong các gia đình ba thế hệ, song hoàn cảnh nhiều gia đình, nhất là ở nông thôn, còn khó khăn. Quy định như dự thảo luật là đúng, song chưa đầy đủ. Nên bổ sung quy định theo hướng khẳng định người cao tuổi phải được ưu tiên chăm sóc tại gia đình cùng với các dịch vụ, hỗ trợ của cộng đồng, chỉ trong trường hợp thật đặc biệt (không còn nơi nương tựa, bị bệnh, tàn tật cần sự chăm sóc đặc biệt) thì người cao tuổi được đưa đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi khác. Không cần thiết phải tổ chức quá nhiều các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhà nước, song cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở chăm sóc người cao tuổi có chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhà nước sẽ giữ trách nhiệm hàng đầu trong việc xúc tiến, cung cấp, bảo đảm sự tiếp cận đối với các dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách cụ thể khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

Hoàn thiện pháp luật về cơ yếu

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Cơ yếu. Dự thảo Luật Cơ yếu gồm năm chương, 38 điều quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức của Cơ yếu Việt Nam và chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan hoạt động cơ yếu. Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Cơ yếu sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng ngành cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Ðảng và Nhà nước giao.

Ðề cập công tác quản lý Nhà nước về cơ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cho rằng: Hiện nay, Luật An ninh quốc gia và Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước hiện hành giao Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật Nhà nước; Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, nay giao thêm Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu cũng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, như vậy là có sự chồng chéo. Vì thế đề nghị chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ về một trong hai bộ là Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cho phù hợp tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Cũng có ý kiến đề nghị nên để Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ cho phù hợp quy định tại Ðiều 5, Ðiều 19, khoản 1 Ðiều 21 của dự thảo luật.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ yếu Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nêu một số ý kiến cho rằng, 13 nhiệm vụ, quyền hạn của cơ yếu Việt Nam được quy định tại Ðiều 20 chưa phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn nào là nhiệm vụ, quyền hạn chung của lực lượng cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn nào là nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về cơ yếu, cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ yếu... Ngoài những vấn đề nói trên, về mặt kỹ thuật văn bản, một số nội dung cụ thể cũng như tên chương, điều, trật tự sắp xếp các điều, khoản, một số khái niệm cũng cần được tiếp tục rà soát, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo luật này.

Ban hành Luật Quy hoạch đô thị là cần thiết

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày, thì Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng việc ban hành luật này là cần thiết, vì có ý kiến đề nghị không ban hành Luật Quy hoạch đô thị mà chỉ cần sửa những nội dung liên quan quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng là đủ. Ủy ban Thường vụ QH cũng tán thành tên gọi của luật như dự thảo. Tiếp đó, báo cáo giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý đã nêu rõ các ý kiến còn khác nhau của các đại biểu QH đóng góp vào dự án luật này tại kỳ họp thứ tư và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH về từng vấn đề cụ thể, như trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch đô thị, về thanh tra quy hoạch đô thị, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị...

Thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật nói trên, nhiều ý kiến tập trung vào việc quy định tại Ðiều 16 về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng (Nguyễn Thị Thu Hà - Gia Lai, Sùng Thị Chử - Yên Bái, Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội...). Ðại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, theo dự thảo thì, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng đều có chức năng tham mưu. Vậy Chủ tịch UBND tỉnh sẽ nghe ai? Mặt khác, trong dự thảo, việc quy định về Hội đồng kiến trúc quy hoạch chưa được rõ ràng, cụ thể, thì luật lại giao cho Chính phủ quy định. E rằng như vậy sẽ gây băn khoăn cho các đại biểu QH. Về kiến trúc sư trưởng, đại biểu này đề nghị QH xem xét, không nên để lặp lại mô hình trước đây đã có ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, biên chế nhiều, nhưng hoạt động không hiệu quả. Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch không phải là cơ quan tham mưu. Do vậy đồng ý với quy định của dự thảo. Ðại biểu này cũng cho rằng, mô hình kiến trúc sư trưởng đã có trước đây có nhiều điểm bất cập. Cho nên, chỉ cần lựa chọn Hội đồng kiến trúc quy hoạch và sửa lại Ðiều 16. Ðại biểu Trần Thị Dung - tỉnh Ðiện Biên đề nghị bỏ khoản 3 Ðiều 48 quy định về điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị.

Các ý kiến phát biểu còn đề cập nhiều vấn đề cụ thể trong dự thảo, như: Quy định về rà soát quy hoạch đô thị, quy định về đồ án quy hoạch đô thị, trách nhiệm tổ chức quy hoạch đô thị...

 

 

Văn Trúc và Vũ Hoàng Vân

(http://www.nhandan.com.vn/)