Hội thảo chính sách hình sự và thực tiễn công tác thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội

07/12/2013

Ngày 5 – 6.12, tại Nghệ An, Ủy ban Tư pháp tổ chức Hội thảo chính sách hình sự và thực tiễn thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp đối với nguời chưa thành niên phạm tội.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, xuất phát từ quan điểm người chưa thành niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh (điều kiện sống, điều kiện giáo dục, môi trường gia đình, xã hội...), Bộ luật Hình sự không chỉ coi người chưa thành niên phạm tội là đối tượng cần phải trừng trị mà còn coi họ là nạn nhân của môi trường xã hội không lành mạnh. Khi xử lý hình sự đối với đối tượng này cần xem xét, cân nhắc trong mối quan hệ hai mặt: họ vừa là chủ thể của hành vi phạm tội, vừa là nạn nhân của môi trường xã hội. Mục đích chủ yếu của việc xử lý hành vi phạm tội của người chưa thành niên là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh để trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây là nguyên tắc bao trùm, mang tính chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Thể chế nguyên tắc này, các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng... Các biện pháp thể hiện sự tin tưởng của Nhà nước vào khả năng tự cải tạo của người chưa thành niên phạm tội, thể hiện trong 4 hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội thì có đến 3 hình phạt không gắn với tước tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ). Bộ luật Hình sự quy định, hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội không phải là tù chung thân mà là tù có thời hạn, mức phạt thấp hơn nhiều so với người thành niên phạm tội. Tuy nhiên, hệ thống hình phạt cũng bộc lộ một số điểm bất cập như: hình phạt cảnh cáo, phạt tiền và cải tạo không giam giữ chỉ có thể áp dụng đối với người đã thành niên, người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội; không thể áp dụng với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng và một số trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng. Trong khi đó, Điều 12, Bộ luật Hình sự quy định, nguời chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt phạt tiền, không giam giữ chỉ áp dụng với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, khả năng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng còn khiêm tốn.

Các đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu khả năng áp dụng hình phạt ngoài tù đối với người chưa thành niên phạm tội trong một số trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, nhất là phạm tội cố ý. Mục đích là đề xuất mở rộng khả năng áp dụng các hình phạt ngoài tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, cố gắng hạn chế tối đa khả năng đưa người chưa thành niên vào trại giam. Nghiên cứu khả năng áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong một số tội phạm cụ thể, khi người chưa thành niên có tài sản riêng. Nếu khả năng này được chấp nhận, việc áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi cơ bản giống như đối với người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nhưng có khác nhau về mức phạt.

 

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)