Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo làm việc tại Hà Nội

24/12/2013

Chiều 20.12, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Trưởng đoàn giám sát Trương Thị Mai chủ trì cuộc làm việc.

Theo Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, 8 năm qua, chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% năm 2009 xuống còn 3,4% năm 2010. Sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,52% năm 2011, xuống còn 3,55%, đầu năm 2013; thu nhập bình quân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tăng từ 8,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 9,5 triệu đồng/người/năm (năm 2013). Ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung được xây dựng, Hà Nội còn ban hành chính sách đặc thù riêng phù hợp với sự phát triển KT-XH của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: trợ cấp cho người không có khả năng thoát nghèo; hỗ trợ hộ nghèo đặc biệt khó khăn đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện. Nguồn lực của Thành phố có thể chủ động đáp ứng công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ nghèo khu vực các huyện vẫn còn lớn; công tác giảm nghèo có nơi còn mang tính áp đặt, chạy theo thành tích.

Đoàn giám sát cho rằng, từ năm 2008, cùng với việc điều chỉnh địa giới hành chính, số lượng hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo nông thôn, miền núi tăng thêm nhiều nhưng Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện giảm nghèo, xây dựng nhiều chương trình đặc thù riêng phù hợp với đối tượng, vùng, miền, góp phần ổn định đời sống người dân. Để làm rõ hơn những hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo, Đoàn giám sát đề nghị, Hà Nội cần đánh giá cụ thể về hiệu quả từ chính sách đặc thù của Thành phố; phân tích các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, chính sách nào không còn phù hợp, chính sách nào bị chồng chéo để kiến nghị sửa đổi, bảo đảm hiệu quả cao nhất của chính sách. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại công tác chỉ đạo của UBND Thành phố đối với các quận, huyện trong công tác giảm nghèo; chỉ rõ nguyên nhân nghèo ở đô thị, nông thôn, miền núi; có hay không nguyên nhân nghèo do còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước?

+ Trước đó, Đoàn giám sát của UBTVQH cũng làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)