Bế mạc Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

17/01/2014

Chiều 15-1, Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII đã bế mạc.

* Bổ sung trái phiếu Chính phủ hoàn thành các dự án

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, qua ba ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm với tinh thần xây dựng, hoàn thành tốt nội dung phiên họp đề ra. Ðồng thời lưu ý các Ủy ban và Hội đồng của QH cần sắp xếp, bố trí công việc hợp lý, chuẩn bị chu đáo và chất lượng các nội dung cho Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII sắp tới.

Tại phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Dự thảo Pháp lệnh gồm 5 chương, 42 điều.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của đại biểu đánh giá tiến độ trình Pháp lệnh với UBTVQH là quá chậm, làm ảnh hưởng việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành tên gọi của Pháp lệnh là: "Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân". Tên gọi này phù hợp tên gọi Pháp lệnh theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12-6-2012 của Quốc hội, ngắn gọn, có tính khái quát cao, thể hiện được nội dung Pháp lệnh.

Sáng cùng ngày, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về phương án phân bổ bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo Tờ trình, Chính phủ dự kiến bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án dở dang của các bộ, địa phương là 66.720 tỷ đồng. Chính phủ kiến nghị UBTVQH quyết định bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho các bộ, địa phương thực hiện là 48.653,261 tỷ đồng, cho 638 dự án. Ðối với 91 dự án dự kiến hoàn thành trong hai năm 2014-2015 với tổng số vốn bố trí là hơn 18 nghìn tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được 33,7% vốn trái phiếu Chính phủ. Chính phủ đề nghị UBTVQH giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương căn cứ tổng số vốn dự kiến cho các dự án này của từng bộ, địa phương, tiến độ thực hiện dự án... để dồn vốn hoàn thành dứt điểm các dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, thất thoát.

Ða số các thành viên UBTVQH tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đồng thời đề nghị: Ðối với 91 dự án mới đáp ứng được 33,7% vốn trái phiếu Chính phủ, tiếp tục cần rà soát, cắt giảm, điều chỉnh tổng mức đầu tư của từng dự án, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm hoàn thành các dự án trong năm 2014-2015 và trình UBTVQH xem xét, quyết định trước ngày 30-4-2014.

Liên quan đến đường tuần tra biên giới giai đoạn hai, Tờ trình của Chính phủ đề nghị dành 1.000 tỷ đồng bố trí cho dự án này. Các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ bố trí đủ 1.500 tỷ đồng đầu tư cho đường tuần tra biên giới giai đoạn hai.

Ðối với Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ bố trí 6.100 tỷ đồng cho dự án này, còn lại 500 tỷ đồng sẽ chuyển sang đầu tư đường tuần tra biên giới giai đoạn hai.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phá sản (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí quy định phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.

Ðối với quy định về thẩm quyền của Tòa án, các thành viên UBTVQH cho rằng, thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản là loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi Thẩm phán phải là người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, trình độ, kiến thức nhất định về doanh nghiệp, hợp tác xã và hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, việc giải quyết phá sản gắn liền với việc giải quyết các yêu cầu đòi nợ, các tranh chấp liên quan các khoản nợ và người mắc nợ có thể ở nhiều địa phương, kể cả ở nước ngoài. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Chung quanh quy định về chế định Quản tài viên có hai loại ý kiến. Một số thành viên UBTVQH băn khoăn về tính khả thi của chế định này bởi đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Bên cạnh đó, quyền hạn và trách nhiệm của Quản tài viên rất rộng lớn, vì vậy không nên quy định chế định này. Một số ý kiến khác đề nghị, nên thực hiện thí điểm chế định Quản tài viên, đồng thời quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của chế định này.

Các thành viên UBTVQH đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn chỉnh dự án Luật Phá sản (sửa đổi) để trình QH xem xét.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)