Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong đàm phán, phê chuẩn và thực hiện FTA

15/04/2014

Sáng 15-4, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, phê chuẩn và thực hiện các hiệp định thương mại tự do”.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nhấn mạnh: Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21, mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế.

Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết tám Hiệp định thương mại tự do song phương, gia nhập WTO và đang đàm phán bảy hiệp định khác.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tác động thuận, nghịch của các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới đối với Việt Nam.

Các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trao đổi và làm rõ hơn vai trò của Quốc hội đối với việc đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA. Theo đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Quốc hội sẽ tham gia vào nhiều nội dung quan trọng: Củng cố và hoàn thiện cơ sở pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong quá trình đàm phán, Quốc hội tổ chức nhiều kênh trao đổi, thảo luận và đối thoại với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của các địa phương, lắng nghe ý kiến, đề xuất của cử tri và đối thoại với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.

Mặt khác, khi hiệp định đã được ký kết, Quốc hội sẽ tham gia thẩm tra Hiệp định đó, đánh giá các tác động có thể có đối với nền kinh tế, trước khi xem xét phê chuẩn hiệp định.

Bà Silvia Hernández, nguyên Thượng nghị sĩ, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh thuộc Thượng viện Mexico, nguyên Bộ trưởng Du lịch Mexico - chuyên gia của USAID cho rằng: “Diễn đàn này là cơ hội vô cùng quý báu để tôi tìm hiểu thêm kinh nghiệm Việt Nam, một đất nước đang phát triển không phải với tốc độ “đang chạy” mà với vận tốc “đang bay”. Đây là điều khiến một đất nước ở tận bên kia bờ Thái Bình Dương của chúng tôi vô cùng ấn tượng”.

Cổng thông tin điện tử