Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII Thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các quy định liên quan xuất, nhập cảnh

23/05/2014

Ngày 23-5, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ tư.

Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án bảo đảm cân đối ngân sách T.Ư và địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh và Báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Buổi sáng, thảo luận ở tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, phần lớn ý kiến phát biểu đánh giá cao những giải pháp Chính phủ đã thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế phát triển chưa bền vững và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), Bùi Thị An (Hà Nội) nêu rõ, hiện nay các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, trong đó nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, khiến một lượng lớn người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN ổn định sản xuất, nhất là các biện pháp giúp DN vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Một số đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân đối với các công trình xây dựng nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể số lượng người lao động bị mất việc làm hằng năm và biện pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm.

Ðề cập kết quả phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, các đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ), Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) cho rằng, trong bối cảnh giá nông sản luôn có xu hướng giảm, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng như hiện nay, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhất là các giải pháp "dài hơi" như đầu tư vào khoa học công nghệ nhằm chủ động nguyên liệu, vật tư đầu vào. Một số đại biểu đề nghị, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho ngư dân, nhất là đầu tư phát triển các đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Ðiều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, nâng cao đời sống ngư dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hoàn thiện các quy định liên quan xuất, nhập cảnh

Buổi chiều, thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung trong dự thảo luật. Ðại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, các quy định liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần được cải cách theo hướng tạo thuận lợi hơn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng nhiều lao động người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch để vào Việt Nam làm việc, một số ý kiến đề nghị cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhằm từng bước ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trên.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu kéo dài thời hạn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam đối với người nước ngoài là các nhà khoa học đến Việt Nam để hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phiên họp chiều qua, các đại biểu QH nghe đại diện Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh và nghe báo cáo thẩm tra tờ trình nói trên. Theo Ban soạn thảo, dự án luật này được xây dựng theo hướng khắc phục các hạn chế, phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua. Ðồng thời đáp ứng các yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu DN và phù hợp quy định của Hiến pháp (sửa đổi), bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Tổng cầu nội địa còn yếu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 12,6% so với năm 2012; thấp hơn nhiều so với con số trung bình khoảng 20% trong các năm trước năm 2011 và thấp hơn mức tăng 16% của năm 2012. Lượng hàng tồn kho bình quân vẫn cao hơn ngưỡng thông thường các năm. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng cao so với năm 2012 (tăng 11,9%). Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản; nợ công ngắn hạn đến hạn và quy mô trả nợ ngày càng lớn. Tăng trưởng của khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt, năm 2013 chỉ còn tăng trưởng 2,67% so với năm 2012. Các giải pháp và hệ thống tiêu thụ nông sản chưa thật sự căn cơ, chưa tạo sự yên tâm cho người dân.

(Trích Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014)

 Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, nhất là trong vấn đề kê khai tài sản. Việc phát hiện tham nhũng còn yếu, số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán còn ít. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; nhất là trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

(Trích Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân)

Cổng thông tin điện tử