Luật căn cước công dân cần đảm bảo tính khả thi

08/09/2014

Chiều 8/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, so với dự thảo Chính phủ trình xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thì dự thảo Luật Căn cước công dân sau khi chỉnh lý đã có nhiều thay đổi, gồm 7 chương, 42 điều, tăng 2 chương và 6 điều. Tại Hội nghị, Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo và xin ý kiến ĐBQH chuyên trách về 3 vấn đề lớn, đó là:

Về cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư: UBTVQH đề nghị xây dựng một chương riêng quy định về CSDL Quốc gia về dân cư; làm rõ việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin giữa CSDL Quốc gia về dân cư với các CSDL chuyên ngành; quy định về định danh cá nhân, theo đó cần xác định số định danh cá nhân có 12 chữ số, mỗi người có một số định danh cá nhân được cấp từ khi mới sinh và được ghi vào thẻ căn cước công dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Về Thẻ căn cước công dân: UBTVQH đề nghị lấy tên gọi là thẻ căn cước công dân và giữ quy định cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi mới sinh và không cần giấy khai sinh. Đồng thời, quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc cấp thẻ căn cước công dân.

Về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp: dự kiến Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi Luật có hiệu lực, nếu địa phương chưa đáp ứng đủ điều kiện triển khai thi hành luật thì vẫn thực hiện theo quy định của luật hiện hành và đến 1/1/2020 phải thống nhất áp dụng theo Luật Căn cước công dân.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đều đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo; đồng thời cho rằng dự án luật đã  được chuẩn bị khá công phu, có thể xem xét để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ĐBQH còn băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật. Đặc biệt, một số đại biểu cho rằng, dự án Luật được xây dựng dựa trên cơ sở Đề án 896 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Song, dự án luật lại chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 896.

Cổng thông tin điện tử