Hơi thở cuộc sống trong phòng họp Diên Hồng

27/10/2014

Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã trôi qua với rất nhiều nội dung được cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất xem xét. Các phiên họp đều sôi động. Vui mừng trước những thành tựu đã đạt được, băn khoăn trước những vấn đề bức xúc của xã hội chậm được giải quyết, hiến kế đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai…, trái tim của các đại biểu Quốc hội đã hòa nhịp đập cùng trái tim của hàng chục triệu cử tri cả nước.

Niềm hy vọng từ Nhà Quốc hội mới

Trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, một đại biểu có thâm niên cao trong Quốc hội đã nói với tôi rằng, Quốc hội khóa XIII là một nhiệm kỳ đặc biệt đi vào lịch sử nước nhà với 3 sự kiện trọng đại, đó là thông qua Hiến pháp mới, lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và bây giờ là khai trương Nhà Quốc hội mới.

Hội trường mang tên Diên Hồng, nơi diễn ra Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. 

Nhà Quốc hội mới có lẽ là công trình kiến trúc công quyền to lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Với 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, tọa lạc trên diện tích 60.000 m2 ở mảnh đất thiêng, tựa vào Hoàng thành Thăng Long, hướng ra Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhà Quốc hội là công trình mang dấu ấn thời đại. Trong lời khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: “Hội trường Ba Đình mới được xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trên nền đất truyền thống lịch sử, văn hóa, anh hùng của dân tộc ta”.

Phòng họp chính của Tòa nhà Quốc hội, nơi diễn ra những phiên họp toàn thể của Quốc hội có tên “Diên Hồng”. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không thể tìm được tên nào hay hơn tên này để đặt cho phòng họp lớn nhất và quan trọng nhất trong Nhà Quốc hội. “Diên Hồng” đã gắn liền với lịch sử dân tộc bằng một cuộc họp do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập, với những đại biểu là các bô lão có uy tín đến từ nhân dân bàn việc nước. “Diên Hồng” thuở trước có thể coi là kỳ họp Quốc hội đầu tiên của Nhà nước Việt Nam. "Diên Hồng" hôm nay là nơi tập trung ý chí, nguyện vọng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Cử tri và nhân dân cả nước hy vọng rằng, từ hội trường hiện đại với đầy đủ tiện nghi mang tên Diên Hồng, nhiều quyết sách quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ được xem xét, thông qua, góp phần đưa nước nhà phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Chỉ rõ nguyên nhân của những yếu kém và bàn giải pháp khắc phục

Đó là quan điểm của đại đa số các đại biểu Quốc hội khi phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần nhìn nhận một cách toàn diện các kết quả điều hành kinh tế-xã hội trong thời gian qua của các cấp, các ngành với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm rõ rệt nhằm hiện thực hóa các chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội. Một số chỉ tiêu lớn mà Quốc hội đề ra là cân đối cán cân thương mại, cán cân thanh toán, các đột phá chiến lược… đã được triển khai đồng bộ và thu được một số kết quả tích cực bước đầu. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu ngân sách Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ, an sinh xã hội vẫn cơ bản được bảo đảm, xã hội ổn định hơn... Tuy nhiên, đại biểu cũng nhìn nhận những yếu kém cần tập trung giải quyết. Đó là, cùng với quá trình phát triển cũng xuất hiện nhiều vấn đề xã hội như băng nhóm tội phạm, tai nạn giao thông, giá trị hàng hóa gia tăng còn thấp, tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp còn khó khăn, năng suất lao động thấp… Do đó, giải pháp cấp bách là sắp xếp lại cơ cấu lao động, tăng tổng cầu về kinh tế nhằm tạo động lực tăng trưởng, đồng thời tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể như triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo môi trường sản xuất kinh doanh và đầu tư thuận lợi; điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo kế hoạch đề ra. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) đồng tình với các nhóm giải pháp đưa ra của Chính phủ, nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm việc “tái cơ cấu lao động” để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Định hướng và chất lượng đào tạo nghề cần tránh kiểu đào tạo những gì mình có mà không đào tạo theo nhu cầu xã hội. Chẳng hạn, qua giám sát, có xã đào tạo đến 30 người sửa xe máy, trong khi ở xã đó lấy đâu ra nhiều xe máy để mà sửa.

Hiến kế cho kế hoạch năm 2015, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, năm tới Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn cho duy trì tăng trưởng kinh tế; cần phải bảo đảm hài hòa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Các chính sách cần hướng nhiều hơn nữa đến doanh nghiệp để giúp tăng trưởng, phát triển hơn nữa.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn trước nợ công tăng nhanh, nợ xấu chậm được xử lý. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nhận xét: Trong 3 năm trở lại đây, khi xuất hiện vấn đề nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung những giải pháp thuộc khả năng của mình và đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình thực tế đòi hỏi cần có giải pháp hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ chứ không phải việc riêng của ngành ngân hàng. Chẳng hạn, trong những năm đầu, biện pháp trích lập dự phòng rủi ro hợp lý do khả năng lợi nhuận tốt. Nhưng dần dần các ngân hàng cũng bị áp lực bởi nếu trích lập lớn quá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần còn chịu áp lực về cổ tức và liên quan đến cạnh tranh dưới giá trị cổ phiếu.

Cử tri hy vọng vào kỳ họp Quốc hội

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, dự kiến tuần này (từ 27-10 đến 1-11) sẽ là tuần làm việc sôi động và căng thẳng của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là trong 3 ngày cuối tuần (từ thứ 5 đến thứ 7). Cả ngày thứ 5 (30-10) và sáng thứ 6 (31-10), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi. Chiều 31-10, Quốc hội thảo luận tập trung ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015. Thứ bảy (1-11), phiên họp của Quốc hội cũng sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Tuần này, Quốc hội cũng sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Hôm nay (27-10), Quốc hội sẽ xem xét 3 dự án luật là: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Ngày mai (28-10), Quốc hội xem xét, cho ý kiến 3 dự án luật là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân.

Thứ 4 (29-10), Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây cũng là một trong những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.

Qua tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8 trong phòng họp Diên Hồng, niềm hy vọng của cử tri đã được đáp ứng một phần qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã mang tiếng nói, hơi thở của cuộc sống vào nghị trường. Cử tri hy vọng trong tuần này, các tâm tư, nguyện vọng của mình sẽ tiếp tục được các đại biểu Quốc hội tổng hợp trình Quốc hội.

(Theo Quân đội Nhân dân)