Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

15/08/2009

Hôm nay (14/8), tiếp tục phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp.

Tập trung vào các chủ đề trọng tâm, đó là những biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất trong tai nạn giao thông nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long; tiến độ thi công một số tuyến đường còn rất chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhân dân, gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc trong dư luận xã hội; qui hoạch đường vành đai 3 Hà Nội có đúng thẩm quyền chức năng của Bộ hay không...v.v…Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của ngành Giao thông Vận tải trong thời gian qua và nêu lên những biện pháp khắc phục của ngành nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tồn tại mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm. Trả lời câu hỏi về việc điều chỉnh qui hoạch nút giao cắt đường vành đai 3 Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc làm này là đúng với thẩm quyền của Bộ, điều này đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền và cho phép, vì thế không có chuyện Bộ Giao thông Vận tải tự ý điều chỉnh qui hoạch lại như đơn thư khiếu nại của công dân. Về việc xã hội hóa các trạm thu phí giao thông trên quốc lộ và giao cho các địa phương làm chủ đầu tư một số dự án, Bộ đã và sẽ tiến hành thí điểm ở một số đơn vị, địa phương, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, các đại biểu đã tập trung chất vấn về trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin. Về trách nhiệm của ngành trong quản lý các dịch vụ game online, hiện nay các trò chơi này phát triển rầm rộ, thu hút một số lượng lớn người tham gia mà số đông là thanh thiếu niên, không hiếm các trò chơi bạo lực, kích động, thiếu nội dung lành mạnh ảnh hưởng đến việc học tập, thời gian, sức khỏe và thậm chí trở thành bệnh hoạn ở một số đối tượng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng, để khắc phục tồn tại này thì các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là gia đình và nhà trường cần chung tay vào cuộc chứ không phải chỉ riêng ngành Thông tin truyền thông. Về biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế cung cấp, quản lý các trò chơi trên mạng một cách hiệu quả, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng đây không phải là việc có thể làm được trong ngày một ngày hai. Về quản lý sim điện thoại di động trả trước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ hơn nữa, theo đó thực hiện sớm việc cấp chứng minh nhân dân điện tử thì sẽ quản lý triệt để việc sử dụng sim điện thoại di động trả trước, hạn chế tối đa việc nhắn tin rác, tin không lành mạnh.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả phiên chất vấn hai vị Bộ trưởng, khẳng định chất lượng của phiên chất vấn ngày một hiệu quả, câu hỏi được chuẩn bị kỹ, sát với thực tiễn, các câu trả lời ngắn gọn, không phụ thuộc vào văn bản, tránh được việc trình bày, báo cáo kết quả đã làm được hoặc trả lời chung chung, đi thẳng vào nội dung người hỏi quan tâm.

Theo chương trình, ngày mai, phiên họp tiếp tục làm việc với nội dung cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; dự án Luật bưu chính./.

 

 

Thanh Hoa - Vũ Anh

(http://www.cpv.org.vn/)