Phiên họp thứ 22 của UBTVQH: Nhiều bức xúc về giao thông ở TPHCM và Hà Nội

15/08/2009

Sáng nay, 14-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trả lời chất vấn của ĐBQH trong khuôn khổ phiên họp thứ 22 của UBTVQH. Đây là lần thứ 4 trong vòng hơn 1 năm qua UBTVQH tiến hành hoạt động này.

Theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, tai nạn giao thông (TNGT) năm 2008 giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí (giảm số ca tử vong, giảm số địa phương có người chết vì TNGT và giảm số vụ TNGT). Có 56 địa phương số người chết do TNGT, TNGT giảm ngay từ tháng đầu và tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, trong điều kiện số phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục tăng, thời gian qua vẫn còn một số vụ TNGT nghiêm trọng và để đạt được chỉ tiêu giảm 5% số ca tử vong vì TNGT so với năm 2008 thì ngành GTVT và toàn xã hội cần tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp.

Về tình hình và biện pháp giải quyết tình trạng tắc đường ở TPHCM và Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhìn nhận, nhiều giải pháp đã được áp dụng nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, các Nghị quyết số 32/2007 và 16/2008 của Chính phủ về kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông; tai nạn và ùn tắc giao thông tại TPHCM và Hà Nội... Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với hai thành phố đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên các dự án phát triển giao thông công cộng; thực hiện chủ trương di dời bệnh viện, trường đại học, cơ sở sản xuất... ra khỏi nội đô; nghiên cứu xây dựng và áp dụng các biện pháp kinh tế để điều tiết lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân.

Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng tại phiên họp, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến tiến độ thực hiện dự án vành đai 3 Hà Nội và tình hình giải quyết khiếu kiện tại nút giao thông trọng điểm này.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi: “Dự án vành đai 3 Hà Nội do Bộ làm chủ đầu tư đã thực hiện không đúng quy hoạch phê duyệt từ năm 2001. 8 năm sau, đến tháng 2 vừa qua mới điều chỉnh dự án theo một bản vẽ thiết kế chưa được phê duyệt. Sau 6 tháng Bộ mới công bố cho nhân dân quy hoạch điều chỉnh. Bộ trưởng giải thích như thế nào? Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là bao nhiêu? Dành cho GPMB là bao nhiêu”?

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đáp: “Dự án xây dựng đường vành đai 3 chia thành nhiều dự án nhỏ. Đoạn có nhiều vướng mắc là từ Trung tâm Hội nghị QG cho đến nút Thanh Xuân, do khó khăn về vốn nên đã phải dừng từ 2001, đến 2006 mới khởi động lại, lúc đó tình hình đã hoàn toàn thay đổi, điều chỉnh quy hoạch là tất yếu. Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ điều chỉnh thiết kế, thực hiện và tháng 2 vừa qua quy hoạch mới đã xong, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.

Chưa hài lòng, ĐB Thuyết nhắc lại câu hỏi về sự chậm trễ (tới 6 tháng) trong công bố quy hoạch và tổng mức đầu tư sau điều chỉnh. Ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng trách nhiệm công bố quy hoạch chung thuộc về địa phương (UBND TP Hà Nội): “Những khiếu kiện của dân về dự án này đang được Thanh tra Chính phủ làm rõ. Gần đây nhất chúng tôi mới làm việc với dân cách đây 2 tuần. Có 2 nhóm khiếu nại chính liên quan đến quy hoạch và tiền đền bù. Quy hoạch thì tôi đã nói, đúng với các quy định hiện hành. Còn việc đền bù thì do TP chịu trách nhiệm”.

ĐB Tất Thành Cang (TPHCM) thẳng thắn đưa ra nhận xét: “Về tình trạng tắc đường ở TPHCM, Bộ trưởng mới chỉ nhắc lại những giải pháp chung chung đã có”. ĐB đặt câu hỏi về nhiều vấn đề giao thông bức xúc ở TPHCM có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT như quy hoạch giao thông nhằm giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở những điểm đường sắt cắt đường nội bộ, điểm giao giữa đường đô thị với quốc lộ. “Hệ thống đường trên cao (cả đường sắt, bộ) TP đề xuất với Bộ rất lâu, khi nào làm, khi nào xong? Trong nhiệm vụ di dời cảng biển, yêu cầu phát triển mạng lưới giao thông kết nối với cảng, để cảng kịp thời phát huy tác dụng rất quan trọng, nhưng chưa được bố trí vốn và thực hiện kịp thời”, ông Cang chất vấn.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Quy hoạch phát triển giao thông TPHCM đã được phê duyệt từ 2007 và việc phát triển hệ thống giao thông nội đô do UBND TP HCM chủ trì thực hiện, Bộ chỉ đóng vai trò tư vấn, phối hợp. “Theo tôi biết thì hệ thống đường sắt, đường bộ trên cao nội đô đang được TP xúc tiến, ví dụ như tuyến Bến Thành – Suối Tiên có tài trợ của Nhật hay tuyến số 2 có tài trợ châu Âu...”.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng công nhận việc phát triển hệ thống đường kết nối cảng là hết sức quan trọng, hiện nay một số dự án chưa đảm bảo tiến độ, nhưng “có cái Bộ làm, có cái TP làm”, và Bộ sẽ phối hợp đẩy nhanh tiến độ.

 Theo chương trình chất vấn tại UBTVQH sáng nay, 14-8, chỉ có Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp và Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đang đi công tác và Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị chuyển phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ sang phiên họp sau của Thường vụ Quốc hội (phiên họp thứ 23, tiến hành trong tháng 9 tới).

Sở dĩ hai Bộ trưởng Lê Doãn Hợp và Hồ Nghĩa Dũng được chọn trả lời chất vấn lần này là do hai ông không nằm trong số các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, những ý kiến chất vấn của các đại biểu QH thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin – Truyền thông và Giao thông – Vận tải chưa được trả lời tại kỳ họp.

 

 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)