Tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Các Bộ trưởng: Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn

15/08/2009

Sáng 14-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch QH: Nguyễn Ðức Kiên, Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) tiến hành chất vấn và nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT); Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn.

Hai vị bộ trưởng vừa qua đã nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu QH nhưng chưa có điều kiện trả lời trực tiếp tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XII. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu QH chuyên trách và các đại biểu QH có câu hỏi chất vấn, đại diện một số bộ, ngành liên quan và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tham dự phiên họp.

Bức xúc về những con đường lầy lội

Tại phiên họp, có chín đại biểu chất vấn trực tiếp Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, chủ yếu liên quan về hoạt động tổ chức trạm thu phí giao thông,  các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm quản lý của bộ trong vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông... Nhiều đại biểu QH bên cạnh bày tỏ quan tâm tiến độ thực hiện Dự án vành đai 3 của TP Hà Nội, tình hình giải quyết khiếu kiện tại khu vực này. Các đại biểu: Chu Sơn Hà, Nguyễn Thị Hoa (TP Hà Nội) nêu, trong quy hoạch mạng lưới giao thông có đặt vấn đề quản lý không gian ngầm chưa, tại sao dự án đường 32 lại chậm trễ tiến độ gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân lao động Thủ đô, và Bộ GTVT có giải pháp gì đối với vấn đề nói trên? - Báo chí đã viết bài gọi đường 32 là "con đường đau khổ" và tôi từng chứng kiến những xe chở hàng của bà con lao động bị lật đổ ra đường rất thương tâm - đại biểu Nguyễn Thị Hoa bộc bạch.

Trả lời những nội dung được các đại biểu nêu, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, quy hoạch chi tiết không gian ngầm là phạm trù của xây dựng. Ðối với một số dự án vừa qua, công tác chuẩn bị đầu tư đã hoàn tất nhưng do chưa có mặt bằng nên đã gặp không ít khó khăn trong việc triển khai hạ tầng kỹ thuật. Ðể bảo đảm an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trong khi xây dựng các tuyến đường, bên cạnh dự án xây dựng đường giao thông đều có phần việc bảo đảm hoạt động giao thông bình thường cho người dân. Trên thực tế, do công tác phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành điện, cấp thoát nước, viễn thông... nên tiến độ thi công chậm, tình trạng đào đường, lấp đường gây bức xúc cho người dân. Ðối với đoạn đường 32 đang xây dựng là thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT đã và đang phối hợp địa phương để tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ công trình.

Ðề cập chung quanh Dự án vành đai 3, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn, dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã thực hiện không đúng quy hoạch phê duyệt từ năm 2001. Vừa qua mới điều chỉnh dự án theo bản vẽ thiết kế chưa được phê duyệt. Tại sao sau sáu tháng, bộ mới công bố cho nhân dân quy hoạch điều chỉnh. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là bao nhiêu, phần dành cho giải phóng mặt bằng là bao nhiêu? Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải trình: Dự án xây dựng đường vành đai 3 chia thành nhiều dự án nhỏ. Ðoạn có nhiều vướng mắc là từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến nút Thanh Xuân, do gặp khó khăn về vốn nên đã phải dừng từ năm 2001, đến năm 2006 mới tiếp tục. Do tình hình thực tế, mức độ giao thông đã thay đổi, "nhìn nhận" về quy hoạch cũng thay đổi, nên việc điều chỉnh quy hoạch là tất yếu. Các giải pháp thiết kế trước không bảo đảm như phê duyệt của Thủ tướng năm 2001 mà phải có điều chỉnh. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ủy quyền cho bộ điều chỉnh thiết kế, thực hiện và vừa qua quy hoạch mới đã xong, theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Hơn nữa, trách nhiệm công bố quy hoạch chung, việc đền bù giải phóng mặt bằng thuộc về địa phương (UBND thành phố Hà Nội).

Các đại biểu Lê Quang Bình (Thanh Hóa), Trịnh Thị Nga (Phú Yên), Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) chất vấn nội dung liên quan việc tổ chức các trạm thu phí giao thông. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Bộ GTVT không lập thêm trạm thu phí mới ngoài Quy hoạch các trạm thu phí giao thông trên quốc lộ đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số hiện tượng tiêu cực và bất cập trong thực hiện thu phí giao thông. Thời gian tới, bộ đang nghiên cứu triển khai chủ trương xã hội hóa công tác thu phí giao thông và những quy định liên quan mức thu phí.

Một số đại biểu chất vấn tình trạng ùn tắc giao thông, giải quyết các giao cắt với đường sắt, quốc lộ với đường nội đô tại TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Trong phần trả lời, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, mặc dù đã ban hành nhiều văn bản, áp dụng các biện pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn chưa có chuyển biến nhiều. Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã có nhiều chương trình phối hợp công tác với UBND hai thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết 16 của Chính phủ, vừa qua đã mang lại nhiều kết quả. Theo phân cấp, UBND hai thành phố sẽ trực tiếp quản lý, là chủ đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn. Giữ vai trò quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã và đang phối hợp UBND hai thành phố làm tốt các giải pháp chống và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Cần quản lý tốt hơn mạng internet, trò chơi điện tử

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Lê Doãn Hợp. Nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan trách nhiệm của Bộ TTTT trong quản lý các dạng trò chơi điện tử trên mạng (game online), thực trạng sử dụng và quản lý internet hiện nay và trong thời gian tới, việc quản lý cấp phép tần số và nội dung các kênh truyền hình cáp, quản lý nhà nước như thế nào đối với các trò chơi trực tuyến có yếu tố bạo lực, khiêu dâm... Cụ thể với trào lưu trò chơi trên mạng đối với đối tượng thanh, thiếu niên, đại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) bày tỏ, các biện pháp quản lý lâu nay thật sự đủ mạnh, và nạn chơi điện tử tràn lan trở thành hiểm họa ảnh hưởng xấu tới lối sống, đạo đức trong xã hội.

Bộ trưởng dành thời gian khá dài phân tích tính hai mặt của game online, internet và viện dẫn một loạt các văn bản, thông tư liên quan quản lý lĩnh vực này. Theo đó, để hạn chế những mặt tiêu cực của internet, Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này. Bộ TTTT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin điện tử thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng liên quan, như Bộ Công an để có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả những nguồn thông tin có nội dung độc hại; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, kết hợp chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường, xã hội các tổ chức đoàn thể nhằm hướng dẫn, nâng cao ý thức sử dụng thông tin trên internet của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh việc áp dụng biện pháp quản lý hành chính thì việc áp dụng biện pháp quản lý về kỹ thuật có tác dụng nhất định góp phần sàng lọc phần nào những thông tin xấu trên internet.

Bộ trưởng TTTT đã trả lời chất vấn của một số đại biểu chung quanh việc quản lý cấp phép tần số và nội dung các kênh truyền hình cáp VCTV7 và VCTV 9; việc các kênh truyền hình sử dụng tần số vô tuyến điện quốc gia chủ yếu để chiếu phim; phải chăng các kênh truyền hình trả tiền có yếu tố tư nhân và nước ngoài... Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, kênh VCTV7 và VCTV9 là hai kênh truyền hình cáp được cấp phép cho Ðài Truyền hình Việt Nam để triển khai trên hệ thống truyền hình trả tiền qua mạng truyền dẫn cáp hữu tuyến. Hai kênh truyền hình trả tiền này không sử dụng tài nguyên tần số. Ðây là hai kênh truyền hình chuyên biệt, có nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả xem truyền hình. Bộ trưởng TTTT cho biết, bộ đang triển khai quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình nói chung và phim truyền hình nói riêng bằng việc quy định chặt chẽ và toàn diện hơn về trách nhiệm của tổng biên tập các đài, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản. Bộ đang soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, trong đó sẽ có chính sách khả thi quản lý nội dung các chương trình truyền hình nước ngoài nói chung, phim truyền hình nước ngoài nói riêng...

Ðại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề cập vấn đề quản lý thuê bao điện thoại di động trả trước. Do sự lỏng lẻo trong quản lý thuê bao trả trước, vấn nạn tin nhắn rác, thông tin phản cảm qua điện thoại di động đang gây khó chịu cho người sử dụng. Trong khi chưa quản đến nơi đến chốn, mới đây Bộ lại ban hành thông tư cho phép mỗi thuê bao có thể sở hữu tới 21 sim điện thoại trả trước. Bộ trưởng TTTT thẳng thắn nhận khuyết điểm và cho biết, có sự lúng túng trong quản lý thuê bao trả trước. Việc cho phép mỗi thuê bao sở hữu tối đa 21 sim điện thoại có thể không khả thi. Theo quy định hiện hành, tất cả các thuê bao dù trả tiền trước hay trả sau đều phải khai báo khi hòa mạng. Tuy nhiên, độ chính xác của những thông tin khai báo chỉ khoảng 30%. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành phối hợp tham gia quản lý cùng Bộ TTTT, đặc biệt, công tác quản lý sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu Bộ Công an hoàn thiện dữ liệu chứng minh thư nhân dân, triển khai được hệ thống chứng minh thư điện tử.

Kết thúc phần chất vấn của các đại biểu và phần trả lời chất vấn của hai bộ trưởng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến kết luận, cho rằng, nội dung chất vấn tại phiên họp của UBTV QH thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều của cử tri cả nước, của đại biểu QH. Các câu hỏi chất vấn ngày càng sát thực tế, cụ thể, chọn đúng, trúng những vấn đề lớn, những vấn đề người dân đang rất quan tâm. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, phương thức và cách thể hiện tại phiên chất vấn có tiến bộ, đại biểu hỏi sâu sát, sáng rõ; phần trả lời của các bộ trưởng gọn, đối thoại trực tiếp, không cần văn bản... Tuy nhiên, phần diễn giải, trình bày của lãnh đạo ngành còn dài, nặng về báo cáo tình hình, chưa đề xuất rõ nét tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển lâu dài. Cách thức tổ chức phiên chất vấn tại UBTV QH cần tiếp tục được khuyến khích, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự dân chủ, đoàn kết của đại biểu QH trước nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)