Phiên họp thứ Hai ba của UBTVQH

17/09/2009

* Cho ý kiến dự án Luật Thi hành án hình sự, dự án Luật Nuôi con nuôi; Xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong năm 2009 và 2010

Ngày 16.9, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến với dự án Luật Nuôi con nuôi.

Theo Tờ trình dự án Luật Nuôi con nuôi do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trình bày, hiện các quy định pháp lý liên quan đến nuôi con nuôi tản mát trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chưa đầy đủ, chồng chéo làm cho việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã ký kết Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với 14 nước, vùng lãnh thổ và đang chuẩn bị các thủ tục để phê chuẩn Công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Dự thảo Luật Nuôi con nuôi được xây dựng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, ổn định về vấn đề này.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nuôi con nuôi do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, cho rằng, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi; khắc phục những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. UB Pháp luật đề nghị, do vấn đề nuôi con nuôi đã được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình nên khi ban hành Luật này cần bãi bỏ những quy định tương ứng trong Luật Hôn nhân và gia đình nhằm tránh xung đột pháp luật. Dự thảo Luật mới chỉ tập trung quy định các vấn đề liên quan đến việc nuôi con nuôi là trẻ em mà chưa có quy định đối với các đối tượng khác, nên Ban Soạn thảo cần rà soát, bổ sung và chỉnh sửa theo hướng quy định đầy đủ các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật này.

UB Pháp luật cũng cho rằng, cần sớm xác lập một trật tự trong việc giới thiệu con nuôi nhằm khắc phục những tiêu cực do việc cơ sở nuôi dưỡng thực hiện công việc “3 trong 1”- vừa là nơi tiếp nhận trẻ em, vừa là nơi nhận viện trợ từ nước ngoài, đồng thời là nơi giới thiệu trẻ em. Điều này đã dẫn đến sự thiếu vô tư, thiếu khách quan trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Việc quy định Bộ Tư pháp có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi là không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, vô hình trung biến Bộ Tư pháp trở thành cơ quan tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố. Bộ Tư pháp cần tập trung làm tốt chức năng quản lý Nhà nước và là “người gác cổng” hiệu quả trong lĩnh vực này. Còn việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi nên giao cho các tổ chức xã hội thực hiện.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, cần cân nhắc việc quy định con nuôi trọn vẹn không còn quyền, nghĩa vụ pháp lý đối với cha mẹ đẻ, kể cả quyền thừa kế theo pháp luật. Nếu quy định như vậy thìcó phù hợp với truyền thống “lá rụng về cội” của người dân Việt Nam hay không? Hơn nữa, các quy định pháp luật hiện hành tại Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình đều không quy định chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ đẻ; vẫn giữ quyền thừa kế, tiếp tục hưởng mọi quyền lợi của con liệt sỹ, thương binh, con của người có công với cách mạng. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, quan hệ giữa cha mẹ đẻ với người được nhận làm con nuôi nên dựa vào thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.

Các ủy viên UBTVQH đều băn khoăn về tính khả thi của quy định về quyền lựa chọn của trẻ em làm con nuôi. Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về vấn đề này để bảo vệ các quyền lợi về quốc tịch, điều kiện sống, văn hóa sống…

Tại phiên họp, vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh quy định cơ quan có thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Ban Soạn thảo cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và thực tế giới thiệu trẻ em làm con nuôi để lựa chọn cơ quan giới thiệu phù hợp. Bộ Tư pháp nên làm đúng chức năng quản lý Nhà nước, và theo dõi chặt chẽ việc nhận nuôi con nuôi để bảo vệ quyền lợi trẻ em. Tuy nhiên, sau khi nghe Thứ trưởng Đinh Trung Tụng giải thích về các cơ quan quản lý nuôi con nuôi tại nước ta, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng tình với việc giao trách nhiệm giới thiệu trẻ em làm con nuôi của người thường trú ở nước ngoài cho Bộ Tư pháp. Bởi hiện Cục Nuôi con nuôi thuộc Bộ Tư pháp đang thực hiện công tác này, hơn nữa, với các Sở Tư pháp sẽ theo sát được thực tế nhận nuôi con nuôi tại địa phương.

Trước đó, trong buổi sáng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự; xem xét, quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong năm 2009 và 2010.

Phương Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn)