Luật Người cao tuổi thể hiện đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam

22/10/2009

Việc ban hành Luật Người cao tuổi cũng khẳng định vị trí, vai trò của Hội Người cao tuổi trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Chiều nay (21/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Dự án Luật Người cao tuổi đã được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII. Dự án đã nhận được 153 ý kiến phát biểu tại tổ và 26 ý kiến phát biểu tại Hội trường, nhìn chung, các ý kiến đều tán thành về sự cần thiết ban hành Luật và những nội dung cơ bản của dự án Luật.

Dự thảo Luật Người cao tuổi gồm 6 chương, 31 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam.

Tại buổi thảo luận chiều nay, đa số các đại biểu đều nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về xác định độ tuổi người cao tuổi, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Pháp lệnh Người cao tuổi quy định người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Thời gian qua, quy định này đã đi vào cuộc sống. Tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhiều nước cũng quy định độ tuổi chung xác định người cao tuổi (60 tuổi hoặc 65 tuổi), không phân biệt nam, nữ hoặc nông thôn, đô thị. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Đồng tình với quan điểm trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đoàn Cần Thơ) cho rằng độ tuổi quy định 60 tuổi là phù hợp với tình hình hiện nay. Trường hợp nữ ở độ tuổi 55 là độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Lao động, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi cho rằng, Luật nên có hướng tạo điều kiện nếu ai có nhu cầu thì có thể làm đơn xin tham gia Hội Người cao tuổi. “Thực tế này đã được cộng đồng dân cư ở hầu hết các địa phương chấp nhận”, đại biểu Bùi Thị Lệ Phi cho biết.

Cũng trong buổi thảo luận chiều nay, các đại biểu cũng nhất trí cao với quy định xác định độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 85 tuổi xuống 80 tuổi là phù hợp với nguyện vọng của người cao tuổi cũng như chính sách của Nhà nước đối với nhóm tuổi cao trong xã hội. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) cho biết: “Về cơ bản, dự thảo Luật người cao tuổi đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri nói chung và người cao tuổi nói riêng. Đặc biệt dự thảo Luật quy định đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội giảm từ 85 tuổi hiện nay xuống còn 80 tuổi đã đáp ứng được sự mong đợi của các cụ cao niên”.

Về nội dung sửa đổi, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Người cao tuổi của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, từ khi được thành lập (năm 1995) đến nay, Hội Người cao tuổi Việt Nam có tư cách pháp nhân là tổ chức xã hội, hoạt động theo điều lệ, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, chịu sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của Chính phủ về kinh phí và điều kiện hoạt động. Hội Người cao tuổi Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau về vị trí của Hội Người cao tuổi Việt Nam, song việc tiếp tục xác định Hội là tổ chức xã hội là phù hợp với tính chất hoạt động, với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và xu hướng phát triển của xã hội. Hệ thống tổ chức các cấp của Hội Người cao tuổi đã được ghi trong Điều lệ và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vấn đề này cũng đã được Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi và Ủy ban về các vấn đề xã hội thảo luận kỹ, cân nhắc thận trọng và thống nhất như ý kiến đa số đại biểu Quốc hội. Đại biểu Cầm Chí Kiên (đoàn Sơn La) cho rằng: Việc xác định Hội Người cao tuổi Việt Nam là một tổ chức xã hội phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội là sống vui, sống khoẻ và sống có ích. Đồng thời cũng là cơ sở để có thể tập hợp rộng rãi người cao tuổi trong xã hội.

Về giảm giá vé, giá dịch vụ cho người cao tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nên có chính sách giảm giá đối với một số dịch vụ cho người cao tuổi nhằm đáp ứng một phần nhu cầu chính đáng của người cao tuổi. Tuy nhiên, Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định cụ thể loại hình dịch vụ và mức giảm giá để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật.

Nhiều đại biểu cũng nhất trí với quy định này. Tuy nhiên cũng có ý kiến khác cho rằng, không nên đưa điều này vào Luật. Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, nếu đưa ra quy định này sẽ xảy ra các trường hợp: Thứ nhất là người thân của người cao tuổi có thể lợi dụng người cao tuổi để trục lợi thông qua các dịch vụ ưu đãi cho người cao tuổi; Thứ 2 khi quy định này được triển khai vào thực tế, có thể người cao tuổi sẽ phải hưởng những dịch vụ kém chất lượng…

Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc và bổ sung các điều khoản cụ thể hơn về vấn đề phụng dưỡng người cao tuổi, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội và Nhà nước trong vấn đề này…

Ngày mai (22/10), các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010./.

Mạnh Hùng – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)