Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

10/01/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 6, sáng 10/1, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Thay mặt Ủy ban Tài chính- Ngân sách trình bày Báo cáo phương án giải trình, tiếp thu chỉnh lý những vấn đề lớn và những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016 về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Công văn số 61/VPCP-PL ngày 05/01/2017 của Văn phòng Chính phủ về thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phương án tiếp thu ý kiến ĐBQH về Dự án luật trên, ngay sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý Dự án luật. Tiếp đó, ngày 04/12/2016, Thường trực Ủy ban TCNS đã làm việc với Cơ quan soạn thảo để giải trình, tiếp thu các ý kiến của ĐBQH về Dự án Luật.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Việc sửa tên gọi thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công" phù hợp với quy định của Hiến pháp

Thảo luận tại phiên họp, về tên gọi của Dự án Luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Dự án Luật đã sửa đổi cơ bản Luật hiện hành khi bổ sung thêm 4 Chương, 99 Điều dẫn tới nội hàm sẽ được bao quát hơn, rộng hơn, đầy đủ hơn và khắc phục được hạn chế, bất cập hơn. Việc sửa tên gọi thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công” cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp, đồng thời cho thấy phạm vi điều chỉnh không chỉ có các cơ quan nhà nước, mà còn các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị khác.

Về xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai, hiện có hai luồng ý kiến, cụ thể: Cơ quan soạn thảo đề nghị quy định theo hướng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị quy định theo hướng: Toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý tài sản do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của cơ quan theo quy định của pháp luật về ngân sách. Việc quy định như trên sẽ đảm bảo các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhất trí với đề nghị của Ủy ban Tài chính- Ngân sách bởi nếu theo đề xuất của Ban soạn thảo là phải trừ đi những chi phí khác, sau đó còn lại mới nộp cho ngân sách nhà nước sẽ không đảm bảo chặt chẽ. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mặc dù cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra còn có ý kiến khác nhau nhưng thực chất giống nhau khi đều nộp ngân sách nhà nước, đều thống nhất là tất cả những quyền xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường, xử lý đất đai đều phải nộp ngân sách. Điểm khác nhau là lấy từ nguồn nào, trình tự trước sau như thế nào, lấy trước, lấy sau, lấy lúc nào. "Việc lập dự toán ngân sách thường cuối năm trước các cơ quan đã lập dự toán ngân sách rồi, còn việc xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường thiệt hại có thể bất cứ chỗ nào, lúc nào, cơ quan thấy tài sản đó cần phải điều chuyển mà lúc làm dự toán ngân sách không nằm trong niên hạn ngân sách thì có hợp lý không. Ở đây Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án đúng là phải nộp ngân sách nhưng sau khi trừ đi chi phí rồi, mình quy định trong luật này thế nào để việc chi phí này phải hợp lý, sát thực tế và tránh lãng phí, tiêu cực, sau đó anh phải nộp vào ngân sách, như thế tôi nghĩ hợp lý hơn”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị.

Bên cạnh các nội dung trên, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị xem xét lại một số nội dung quy định tại Điều 33 về khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại cơ quan nhà nước và Điều 34 về sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần quy định thống nhất việc quản lý tài sản

Phát biểu tại phiên họp, về xử lý nguồn thu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị để đảm bảo quản lý cần thực hiện nguyên tắc là có dự toán thì tiền phải gửi vào kho bạc. Sau đó, bên lập dự toán, bên chi bao nhiêu thì cơ quan có thẩm quyền duyệt dự toán, số còn lại phải nộp vào ngân sách và quy định rõ ràng trong luật. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần quy định thống nhất việc khoán, một chính sách, một chủ trương, một quy định để quản lý tài sản.

Về tên gọi của Dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công” để phù hợp với quy định của Hiến pháp và tránh gây hiểu nhầm đối với việc quản lý, sử dụng tài sản của Đảng, Mặt trận và các tổ chức Đoàn thể.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, thống nhất việc đổi tên “Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công”.

Thứ hai, thống nhất khái niệm về tài sản công cho phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, phạm vi quản lý của luật sẽ không điều chỉnh đối với tài sản dưới hình thái tiền tệ.

Thứ ba thống nhất việc sử dụng các nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển, bồi thường phải nộp vào kho bạc nhà nước sẽ giúp quản lý được đầu vào. Đồng thời việc lập dự toán chi sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó trừ đi phần chi, phần còn lại sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất phương án giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cho phù hợp với từng loại tài sản, từng cấp và từng thời kỳ.

Quang Minh