Trước đó, tại phiên họp thứ 5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đã cùng cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Quy chế nêu trên.
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Quy chế đã được thiết kế thành 3 Chương gồm Chương quy định chung, Chương quy định về nội dung và phương thức phối hợp và Chương quy định về tổ chức thực hiện. Trong nội dung các Chương này đã quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc và hình thức phối hợp; nội dung, phương thức phối hợp và trách nhiệm tổ chức thực hiện. Đặc biệt, trong phương thức phối hợp đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện đối với từng hình thức phối hợp, nêu rõ trách nhiệm trả lời, việc ký văn bản trả lời; quy định phương thức phối hợp của các cơ quan trong hoạt động kiểm tra công tác tổ chức cán bộ của Tòa án quân sự các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết Ảnh: Đình Nam
Đồng thời, trên cơ sở rà soát lại các nội dung phối hợp giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp đã cùng cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan chỉnh lý lại các nội dung cần có sự trao đổi, phối hợp và các nội dung cần có sự thống nhất giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của Tòa án quân sự; chỉnh lý các nội dung cần có sự thống nhất giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong công tác điều động, luân chuyển Thẩm phán Tòa án quân sự, việc cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân; đồng thời quy định trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Tòa án nhân dân tối cao trong việc lập dự toán kinh phí hoạt động của Tòa án quân sự.
Ngoài ra, dự thảo Quy chế đã quy định trách nhiệm trao đổi, phối hợp của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng về các nội dung khác liên quan đến việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức khi cần thiết.
Nội dung Quy chế nêu rõ quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hai bên sẽ phối hợp trong công tác tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của các tòa án quân sự; công tác điều động, luân chuyển cán bộ Tòa án quân sự; cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân và dự toán kinh phí hoạt động của các Tòa án quân sự. Khi cần thiết, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trao đổi, phối hợp về các nội dung khác trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2017. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 134/2002/NQ-UBTVQH11 ngày 04 tháng 11 năm 2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.