Nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện theo quy trình tại một kỳ họp

14/08/2017

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 13, chiều ngày 14/8, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận.

Tham dự phiên họp có: các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; lãnh đạo một số Bộ, ngành ở Trung ương, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện

Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu, Luật cơ quan đại diện được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/2009 đã tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để các cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam tại quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp nhận, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực. Hoạt động của cơ quan đại diện đã đóng góp quan trọng vào thành công trong việc thực hiện chủ trương, chính sách chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, tăng cường quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế, đặc biệt là các đối tác quan trọng, tạo môi trường hòa bình và ổn định, đồng thời củng cố đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 07 năm thi hành Luật, đã phát sinh yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với một số điều khoản của Luật, như Luật chưa thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quy trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (khoản 12 Điều 74 và khoản 6 Điều 88 Hiến pháp). Luật chưa quy định các tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, phục vụ việc xem xét bổ nhiệm; cần bổ sung một số chế độ đối với thành viên cơ quan đại diện và thành viên gia đình trên cơ sở cân đối ngân sách. Một số quy định của Luật cơ quan đại diện không còn tương thích với pháp luật hiện hành, không phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện là cần thiết. 

Dự thảo Luật kế thừa phần lớn các quy định còn phù hợp của Luật cơ quan đại diện và chỉ sửa đổi, bổ sung một số khoản tại 11 trong tổng số 36 điều của Luật cơ quan đại diện, bãi bỏ 01 khoản. Các nội dung cụ thể gồm sửa đổi, bổ sung về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện;  Bổ sung nhiệm vụ thông tin đối ngoại của cơ quan đại diện; Sửa đổi quy định về quản lý kinh phí của cơ quan đại diện; Bổ sung quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện; Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện; Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn của cơ quan đại diện; Bổ sung một số chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện; Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đại diện báo cáo tình hình các đoàn đi công tác nước ngoài

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, để tiếp tục triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng tại Nghị quyết số 22- NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 06- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bố cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 bảo đảm tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan, Thường trực Ủy ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện theo Tờ trình của Chính phủ.

Bổ sung chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị Tờ trình của cơ quan soạn và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại; hoan nghênh việc chuẩn bị dự thảo luật công phu, đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, có tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các cơ quan. Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật.

Liên quan đến chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện nay cán bộ ngoại giao rất vất vả. Hơn nữa, chế độ dành cho cán bộ ngoại giao của nước ta còn yếu kém so với các nước trong khu vực. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với việc phải có chính sách hỗ trợ và cho rằng riêng tiền tàu xe về việc hiếu của tứ thân phụ mẫu nên quy định chế độ nhà nước đảm bảo. Đối với, chi phí học hành và bảo hiểm ốm đau, bệnh tật thì nhà nước xem xét có chế độ hỗ trợ cho cán bộ ngoại giao và con em của họ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước ASEAN trong khu vực để xem chính sách, chế độ của họ đối với các thành viên cơ quan đại diện như thế nào để có quy định phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước của chúng ta. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Luật về hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại cho việc hiếu, việc tang, và hỗ trợ học phí tại nước sở tại và chi phí mua bảo hiểm y tế đối với con chưa thành niên đi cùng.

Về sửa đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ quan đại diện nước ngoài, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tiễn cho thấy nếu cứ thực hiện theo trình tự của Luật đầu tư công là rất khó thực hiện để giải ngân và triển khai việc chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ quan đại diện cho nước ngoài. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở quy định của Luật đầu tư công nhưng có thể thêm cơ chế rút gọn và giao cho Chính phủ quy định cụ thể nhằm tạo thuận lợi khi thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các trụ sở ở nước ngoài.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết thêm, một trong những khó khăn trong hoạt động của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là cơ chế chính sách. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị việc sửa đổi, bổ sung quy định này sao cho có được cơ chế gọn hơn, thoáng hơn.

Liên quan đến quy định về quản lý kinh phí của cơ quan đại diện, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ nhất trí ý kiến về việc tách kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí chuyên môn đặc thù đối với lĩnh vực thương mại, để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động chuyên môn. Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, qua đánh giá, phân tích tác động, nhận thấy phương án như Chính phủ trình có hiệu quả kinh tế cao, đặt biệt là tăng cường tính chủ động, linh hoạt của các bộ phận thương vụ và không để lỡ cơ hội có thể đầu tư, kinh doanh hoặc phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kinh doanh thương mại. Trưởng Ban Dân nguyện cũng bày tỏ kỳ vọng việc tách kinh phí này ra sẽ tạo sự hoạt động thống nhất, tích cực đối với bộ phận thương vụ trong thời gian tới.

Trình Quốc hội thông qua dự án Luật theo quy trình rút gọn

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Cơ quan đại diện nhằm thực hiện yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật khác, là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ; đồng thời cho rằng dự thảo Luật đủ điều kiện để trình lên Quốc hội và nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định sửa đổi việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác tư pháp; bổ sung nhiệm vụ quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của cơ quan đại diện; sửa đổi quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện; sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cử, triệu hồi đại sứ; quy định về phối hợp công tác giữa các đoàn công tác và chế độ đi công tác, chế độ báo cáo… Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí về việc phải có chính sách riêng đặc thù cho vợ hoặc chồng, con chưa thành niên đi theo, chi phí mua bảo hiểm y tế, việc hiếu với cha mẹ vợ hoặc chồng người đi công tác ở nước ngoài, ở cơ quan đại diện và đề nghị giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể.

Về sử dụng kinh phí của ngành công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh phải bảo đảm trật tự quản lý chung của đại sứ trong điều hành chung nhưng để linh hoạt trong điều hành, sử dụng kinh phí của ngành công thương thì nhất trí cho tách riêng phần hoạt động kinh phí của ngành công thương.

Về tiêu chuẩn đối với thành viên cơ quan đại diện, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết hướng dẫn thực hiện đối tượng người lao động ở cơ quan này là trách nhiệm của Chính phủ hướng dẫn thi hành theo quy định của Bộ luật Lao động gắn với thực hiện Luật Công chức. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết luật này, trong trường hợp đặc biệt là phải có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và giao cho Chính phủ thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện thêm dự án Luật, cơ quan chủ trì thẩm tra hoàn thiện báo cáo để có báo cáo thẩm tra chính thức và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi Ủy ban thường Quốc hội cho ý kiến lần hai và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. 

Các bài viết khác