Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi)

29/09/2017

Sáng 29/9, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Minh cho biết, dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) hiện vẫn có quan điểm khác nhau về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên, nuôi trồng thủy sản trên biển, hải đảo, ở vùng gần bờ..., vì sẽ không chỉ hỗ trợ cho người sản xuất, đánh bắt thủy sản, mà còn giảm gánh nặng cho Nhà nước khi xảy ra thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Luồng ý kiến thứ hai không đồng tình hỗ trợ rộng, mà chỉ giới hạn trong nhóm ở trên biển, vùng hải đảo và đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có nhiều vấn đề khác chưa nhận được sự đồng thuận cao, gồm quy định về nguồn tài chính bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; mức phạt với khai thác thủy sản bất hợp phát; tổ chức lực lượng kiểm ngư...

Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 110 điều, quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, dịch vụ hậu cần trong khai thác thủy sản; kiểm ngư; chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Tại Hội thảo, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủy sản hiện hành, vì nguồn lợi thủy hải sản nước ta phong phú và tái tạo được, nhưng không phải là vô hạn nếu con người không biết kết hợp hài hòa giữa khai thác với bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Nhiều tàu thuyền do hiểu biết về luật pháp trong nước và quốc tế hạn chế, cũng như các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương với các nước có liên quan, nên việc khai thác có lúc vi phạm lãnh hải của nước khác. Nhiều vùng biển chồng lấn, khai thác có tính cạnh tranh.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật mới nêu những điểm chưa mang tính định hướng về chủ trương, chính sách đối với các hoạt động chủ yếu của ngành thủy sản, chưa thể chế hóa các chính sách cơ bản, bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho mọi hoạt động của ngành. Do đó, có ý kiến đề nghị, tại Điều 6 về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, cần khẳng định nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Hoạt động thủy sản được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, theo quy hoạch phát triển của Nhà nước và quy hoạch phát triển ngành thủy sản từng địa phương. Đầu tư theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác thủy sản với những tàu đánh cá cỡ lớn để khai thác hải sản xa bờ, hạn chế giảm dần khai thác thủy sản ven bờ bằng giải pháp cụ thể; tiến tới cấm đánh bắt hải sản ở vùng nước nội thủy và quy định thời gian cấm biển sau mùa sinh sản của đa số các loài hải sản từ tháng 5 - 6 hàng năm.

Về quy định đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo các đại biểu, tên gọi của điều này là “Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” nhưng nội dung đồng quản lý bao gồm cả trong khai thác và nuôi trồng. Quy định như vậy là hợp lý, vì hoạt động nghề cá bằng phương thức đồng quản lý là lấy mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản làm trọng tâm. Kinh nghiệm của các nước cho thấy hiệu quả của việc đồng quản lý trong hoạt động thủy sản rất tích cực.  Đặc biệt, nghề cá nước ta là nghề cá nhân dân thì việc thực hiện đồng quản lý càng có ý nghĩa quan trong và hiệu quả.

Tin và ảnh: Vân Ngọc