Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tiếp Đoàn đại biểu Tổ chức Lao động quốc tế

02/04/2010

Chiều 1.4, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã tiếp Phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Karia Tapiola và Đoàn đại biểu ILO đang thăm và làm việc tại nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã giới thiệu với Phó tổng giám đốc Karia Tapiola một số nội dung của chính sách, pháp luật về lao động và chức năng, hoạt động của tổ chức công đoàn ở Việt Nam; khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm đặc biệt đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Hiện nay, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đều đang được tiến hành sửa đổi toàn diện và đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của quan hệ lao động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Mục tiêu của việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là xây dựng các thiết chế bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời bảo đảm được cả quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phó tổng giám đốc ILO Karia Tapiola cho biết, ILO rất quan tâm đến việc dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này của Việt Nam có xây dựng được một cơ chế đủ mạnh để giải quyết hiệu quả các tranh chấp lao động hay không. Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh: vấn đề căn bản của việc giải quyết tranh chấp lao động là phải xây dựng được một quan hệ lao động lành mạnh tại các doanh nghiệp. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ tạo dựng môi trường pháp lý cho việc xây dựng và duy trì quan hệ lao động lành mạnh tại các doanh nghiệp; khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động khi xảy ra tranh chấp thì tiến hành đàm phán, thương lượng trước, nếu không đàm phán được thì mới lựa chọn giải pháp đình công. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Công đoàn cũng sẽ theo hướng xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở đủ mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động tại doanh nghiệp. Đây sẽ là điều kiện cơ bản để thực hiện cơ chế đàm phán, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động khi xảy ra các tranh chấp lao động.

 

 

B.Long

(http://nguoidaibieu.com.vn/)