HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI HUYỆN PHƯỚC SƠN, TỈNH QUẢNG NAM

15/03/2018

Sáng 15/3, tiếp tục chuyến công tác tại Quảng Nam, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến làm trưởng đoàn đã giám sát về “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2010 – 2017” tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trong giai đoạn 2012 – 2015, huyện Phước Sơn đã được phân bổ hơn 7 tỷ đồng để xây dựng 5 phòng học. Giai đoạn 2017 – 2020, huyện Phước Sơn cũng đã nhận được quyết định phân bổ đầu tư 14 phòng học mẫu giáo, với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng và 12 phòng tiểu học, tổng kinh phí hơn 7,7 tỷ đồng.

Đề án phổ cập cho trẻ 5 tuổi theo Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đạt được kết quả phấn khởi khi huy động được 100% trẻ mẫu giáo đến trường. 100% số xã, thị trấn hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi vào năm 2014. Từ 2010 - 2017, có 4.118 cháu 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa với tổng kinh phí khoảng 3,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người học cũng được thực hiện hiệu quả.  Trong đó, hơn 30 tỷ đồng dành để hỗ trợ cho 2.727 học sinh nội trú trong giai đoạn 2010 - 2017. Ngoài ra, các chế độ, chính sách hỗ trợ khác như tiền ăn, tiền ở, hỗ trợ gạo, hỗ trợ thiết bị cũng được đảm bảo.

Uỷ viên Hội đồng Dân tộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu ý kiến

Chính sách cử tuyển cũng là một trong những vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm. Từ năm 2010 - 2014, toàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có 70 người được cử đi học theo chế độ cử tuyển. Tuy nhiên hiện vẫn có gần 27% số người hoàn thành việc học nhưng chưa được bố trí việc làm, gây lãng phí nguồn lực. Qua trao đổi cùng đoàn giám sát, huyện Phước Sơn cũng nêu lên những tồn tại hiện có đối với ngành giáo dục địa phương như: Chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếng Anh cho học sinh phổ thông theo khoản 3, điều 7 của Luật giáo dục. Nhiều tồn tại, hạn chế trong việc ban hành, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ như Nghị định 61/2006, Quyết định 239/2010, Quyết định số 85/2010. Kinh phí hỗ trợ kiên cố hoá trường, lớp học theo Quyết định 1625/2014 cũng còn hạn chế.

Huyện Phước Sơn cũng kiến nghị với đoàn giám sát nhiều nội dung quan trọng như: Cần xem xét cho học sinh thuộc hộ đã thoát nghèo, hộ cận nghèo ở vùng dân tộc tiểu số, mầm non được tiếp tục hưởng chính sách của học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú theo Nghị định 116/2016 của Chính phủ. Tiếp tục kéo dài hoặc thay thế bổ sung chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non theo Quyết định 239/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Hướng dẫn và triển khai thực hiện chính sách đầu tư nhà bếp, nhà ăn, phòng ở học sinh, nhà vệ sinh…các trường Phổ thông dân tộc bán trú; Xem xét miễn thu học phí đối với học sinh ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 86/2015.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi giám sát

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao kết quả mà huyện Phước Sơn đã đạt được trong  công tác giáo dục, với những điểm sáng như: tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở các cấp cao; Kết quả thực hiện nhiều chính sách, nhiều chỉ tiêu trong giáo dục đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ học sinh cử tuyển được bố trí công việc đạt trên 70%.

Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tặng quà lưu niệm huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị huyện tiếp tục tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi tại địa phương. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng thay mặt Đoàn giám sát tiếp thu những kiến nghị, đề xuất và tổng hợp để bổ sung vào Báo cáo đánh giá việc triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số./.

Mỹ Phượng