Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII: Bảo vệ môi trường và tài nguyên đất nước

03/06/2010

Một trong những dự án luật đang được QH xem xét, thảo luận, được cử tri quan tâm là dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường. Ðể hướng đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững, bài toán khó là tìm giải pháp cân đối giữa các chỉ tiêu phát triển kinh tế và nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Tác động từ nhận thức

Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường nhận được sự đồng thuận lớn của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH: Việc ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường, khắc phục hạn chế trong chính sách thu hiện hành; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững.

Ðể bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động từ các nguồn gây ô nhiễm, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp tài chính như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (thực hiện từ năm 2003), phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (thực hiện từ 2007), phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (thực hiện từ 2006) và quy định một số ưu đãi về thuế đối với nhà đầu tư vào các dự án trực tiếp xử lý vấn đề môi trường. Các khoản phí trên được thu từ chủ thể xả thải gây ô nhiễm môi trường để bồi hoàn một phần chi phí khắc phục hậu quả môi trường do chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt.

Ðối tượng chịu thuế của dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường là các sản phẩm hàng hóa gây ô nhiễm khi sử dụng. Nhằm vào đối tượng này, mục đích của Luật Thuế bảo vệ môi trường là góp phần điều chỉnh hành vi của người sử dụng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm sạch; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tạo nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

Luật thuế này khi được QH thông qua sẽ có tác động không nhỏ đến toàn xã hội. Năm nhóm sản phẩm được đề cập trong dự thảo đều là những nhóm sản phẩm đang được sử dụng rộng rãi, trong đó có cả sản phẩm thuộc loại hàng hóa đặc biệt là xăng dầu. Chính vì vậy, nhiều nhà quản lý và nhà khoa học đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của khoản thuế này đối với việc tăng giá xăng dầu, qua đó đẩy giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ liên quan. Việc thu phí qua giá xăng dầu lâu nay được đánh giá là phương pháp dễ thu, dễ nộp và chi phí xã hội thấp, do đó, thời gian qua đã có rất nhiều loại phí được đề xuất thu theo cách này. Nếu tính toán không hợp lý, trong điều kiện thị trường xăng dầu chưa mang tính cạnh tranh cao, dễ dẫn đến việc đẩy giá xăng dầu lên cao, dồn gánh nặng hoàn toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự thảo khung thuế suất là nội dung còn có nhiều băn khoăn, bởi căn cứ tính thuế đối với từng loại mặt hàng chưa được ban soạn thảo lý giải thỏa đáng. Theo nhiều đại biểu QH, căn cứ áp thuế suất đối với từng mặt hàng phải được tính toán khoa học trên cơ sở nghiên cứu chứng minh mức độ gây ô nhiễm (ví dụ: xăng tạo ra lượng khí thải thấp hơn dầu ma-dút khi sử dụng, nhưng lại bị áp mức thuế cao hơn; than gây ô nhiễm môi trường lớn khi đốt cháy, nhưng lại có mức thuế rất thấp...). Thuế suất đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật cũng cần được cân nhắc kỹ, bởi sẽ làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp, trong khi người nông dân đã rất khó khăn, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thấp và không ổn định.

Ở một khía cạnh khác, nhiều đại biểu chưa tán thành với quy định chỉ đưa năm nhóm hàng hóa vào đối tượng chịu thuế, vì hiện nay còn nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các loại hóa chất độc hại, các sản phẩm độc hại... tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người đã được quy định trong nhiều văn bản. Nếu trong tình hình hiện tại chưa có đủ điều kiện để tiến hành thu thuế thì cũng vẫn cần đưa vào nội dung của Luật, và xây dựng lịch trình cụ thể để tiến hành thu thuế khi thích hợp.

Việc phân chia nguồn thu mới chỉ được đề cập trên nguyên tắc chung trong dự thảo, cũng là mối quan tâm của nhiều địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn thu cần được phân chia theo nguyên tắc chú trọng tính công bằng, quyền lợi của địa phương, nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường để đáp ứng yêu cầu khắc phục hậu quả.

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật là tác động đến nhận thức, qua đó điều chỉnh hành vi người sử dụng theo hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế các sản phẩm gây ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về tính hiệu quả của mục tiêu này. Bởi từ trước đến nay, chúng ta đã quy định nhiều khoản phí với mục đích bảo vệ môi trường, nhưng chưa chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nên phí thì vẫn thu được (dù hiệu quả thấp) còn nhận thức thì không tăng.

Dự kiến, Luật Thuế bảo vệ môi trường sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, và sẽ có hiệu lực vào 1-1-2012.

Tăng cường biện pháp bảo vệ tài nguyên đất nước

Cùng với những tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường là nỗi lo cạn kiệt nguồn tài nguyên đất nước. Việc huy động tối đa nguồn khoáng sản đang là cách làm của nhiều quốc gia trong thời kỳ phát triển, nhưng cũng là nguy cơ của tương lai, bởi khoáng sản được xem là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của QH: Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản thời gian qua còn có nhiều thiếu sót và bất cập, dẫn đến việc hoạt động khoáng sản còn phức tạp ở nhiều địa phương; nạn khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, xuất khẩu khoáng sản thô vẫn diễn ra ở nhiều nơi làm thất thoát nhiều tài nguyên khoáng sản.

Ðể giải quyết tình trạng này, dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã đề cập việc xây dựng một Chiến lược tài nguyên khoáng sản trong thời gian 10 năm tầm nhìn 20 năm. Cần nhận thức rằng, tài nguyên khoáng sản của Việt Nam là tài nguyên không tái tạo và trữ lượng hạn chế.

Liên quan những vấn đề về cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, Dự thảo quy định hạn chế phân cấp quản lý cho địa phương mà tập trung về trung ương. Ðây là nội dung nhận được nhiều ý kiến tán thành, để khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, biến mỗi địa phương "thành một vương quốc" mà loạn sân golf chính là một bài học.

Một nội dung được Ban soạn thảo chú trọng là vấn đề đấu giá quyền thăm dò - khai thác khoáng sản. Ðây là quy định đã có trong Luật hiện hành nhưng suốt thời gian qua không triển khai được. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề ra nội dung này nhằm mục đích xã hội hóa công tác thăm dò, khai thác khoáng sản, kêu gọi nhiều nguồn lực chung tay với Nhà nước trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động thăm dò có tính rủi ro cao nên khó thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Mặt khác, cần tránh những tiêu cực dễ phát sinh trong hoạt động này, tốt nhất là Nhà nước nên tiến hành các hoạt động thăm dò, và chỉ đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

 

Ngô Phương Thảo

(http://www.nhandan.com.vn/)