Ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII: Quốc hội nghe báo cáo Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011

04/06/2010

Ngày 2-6, ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Theo đó, năm 2011 là năm cuối của nhiệm kỳ QH khóa XII và năm đầu của nhiệm kỳ QH khóa XIII, căn cứ vào tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng pháp luật năm 2011 và dự kiến tình hình hoạt động của QH năm 2011, Ủy ban Thường vụ QH trình QH dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 gồm 22 dự án  luật, hai dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình chính thức (thông qua 12 dự án luật, hai dự thảo nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật); 12 dự án luật, một dự thảo nghị quyết thuộc Chương trình chuẩn bị.

Tiếp theo, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế  của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết nói trên. Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị quyết số 66/2006/QH11 để phù hợp với tình hình mới và đồng bộ với hệ thống pháp luât về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua để có cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung. Ủy ban Kinh tế tán thành ban hành một nghị quyết có phạm vi điều chỉnh cả dự án công trình đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài với tên gọi: "Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng trình QH quyết định chủ trương đầu tư".

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo của Chính phủ về Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo khẳng định rõ, vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Ðình. Trụ sở các bộ, ngành tập trung tại bốn quận nội thành Hà Nội cũ hiện không đáp ứng được nhu cầu cho nên một số bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở tại Mễ Trì - Mỹ Ðình. Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa một số bộ, ngành nữa ra ngoài khu vực nội đô. Quy hoạch này cũng đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để trong tương lai, sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ. Quy hoạch định hướng phát triển nhà ở của Thủ đô tại các khu đô thị mới hoặc đô thị vệ tinh, xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia và tiến tới hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng các mức thu nhập của người dân, giảm tải trực tiếp cho đô thị trung tâm.

Cũng theo báo cáo này, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ năm 2010 đến 2030 của Thủ đô (gồm các hạng mục hệ thống giao thông, cấp thoát nước, điện, khu xử lý chất thải, nhà hỏa táng, nghĩa trang...) ước khoảng 60 tỷ USD, trong đó giao thông là 33,3 tỷ USD. Giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung với  tổng kinh phí khoảng 30,7 tỷ USD. Trong đó giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 20,4 tỷ USD. Ðến giai đoạn năm 2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 12,9 tỷ USD.

Trong phân kỳ thực hiện và ưu tiên đầu tư, giai đoạn từ năm 2010 đến 2020 sẽ tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, tuyến đường Láng- Hòa Lạc, quốc lộ 32, tuyến Nhật Tân - Nội Bài, Thăng Long  - Nội Bài, trục Thăng Long... xây dựng mạng lưới giao thông công cộng, hạ tầng các khu  công nghiệp, các khu thương mại đầu mối; xây dựng Ðại học quốc gia Hà Nội, bước đầu di dời các cơ sở đại học, y tế... Theo quy hoạch của Chính phủ, đối với 750 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội nếu phù hợp với Quy hoạch chung sẽ tiếp tục thực hiện nhưng cần rà soát để bảo đảm khớp nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Những đồ án, dự án không phù hợp sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Những đồ án, dự án nằm trong khu vực không được phép xây dựng, hạn chế xây dựng sẽ có biện pháp chuyển đổi chức năng sử dụng đất hoặc di dời đến vị trí khác.

Báo cáo ý kiến của Ủy ban Kinh tế của QH về Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đã đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có (nhất là Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 108/1998/QÐ-TTg ngày 20-6-1998), thực trạng kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, Hà Tây cũ và các địa giới trước khi sáp nhập, thực trạng môi trường và một số nội dung liên quan khác để có thêm cơ sở cho các định hướng quy hoạch và tổ chức giới thiệu, lấy ý kiến của nhân dân ở một số khu vực khác.

Ủy ban Kinh tế  của QH đề nghị cần bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện Ðồ án. Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Ðồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng. Qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Ðặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của Ðồ án quy hoạch...

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá cao quan điểm của dự án luật với mục tiêu tiết kiệm khoáng sản, trước mắt, lâu dài, hạn chế xuất khẩu thô, khai thác, sử dụng hợp lý. Ðây là quan điểm lớn, có tác dụng phát triển ngành kinh tế tài nguyên.

Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản khai thác. Thực tế, nhiều địa phương có những mỏ khoáng sản lớn, nhưng người dân địa phương không mặn mà, chính quyền không ủng hộ khai thác do việc khai thác luôn kèm theo sự hủy hoại môi trường, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, mất đất sản xuất, đời sống người dân bị ảnh hưởng... Nguồn thu ngân sách không đủ sửa chữa đường giao thông do khai thác, vận chuyển gây ra, chưa nói đến khắc phục môi trường, giải quyết những tệ nạn phát sinh... Nhiều đại biểu đề nghị cần nâng cao hơn nữa quyền lợi người dân địa phương, trong đó khuyến khích chế biến khoáng sản tại địa phương, nhằm tăng nguồn thu, bảo đảm đời sống người dân địa phương theo nguyên tắc nơi có tài nguyên được khai thác, người dân phải có đời sống kinh tế, xã hội tốt hơn. Ðặc biệt, dự án luật phải có biện pháp buộc đơn vị khai thác có trách nhiệm phục hồi nguyên trạng về môi trường sau khai thác, lập quỹ bảo vệ môi trường và có đánh giá tác động môi trường, kinh tế - xã hội địa phương rõ ràng. 

Công tác phân cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Một số đại biểu đưa ra thực tế, hiện việc phân cấp cho các địa phương tạo sự chủ động trong công tác khai thác khoáng sản, tuy nhiên do quản lý không tốt, đã dẫn đến "chảy máu" khoáng sản, lãng phí tài nguyên. Do vậy, khi đã xác định khoáng sản là tài sản quốc gia, dự án luật cần  thiết lập cơ chế quản lý hiệu quả, trong đó quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản và là đầu mối cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản là điều cần thiết. Ðối với những mỏ phân tán, nhỏ lẻ có thể phân cấp cho địa phương, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung và phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Nhiều đại biểu băn khoăn về chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong khai thác, chế biến khoáng sản. Một số đại biểu đề nghị, cần quy định cụ thể hơn và có chế tài đủ mạnh để chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản lãng phí hiện nay. Một số đại biểu cho rằng, cần có chiến lược thăm dò, lập quy hoạch tổng thể để đưa ra biện pháp bảo vệ, khai thác khoáng sản hiệu quả trong thời gian dài.

 

(http://www.nhandan.com.vn)