Ngày làm việc thứ 12, Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII: Nghe trình ba dự án luật

05/06/2010

Ngày 3-6, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII bước vào ngày làm việc thứ 12. Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu QH đã nghe Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (NDTC) và hai thành viên Chính phủ trình ba dự án luật. Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Thảo luận Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tạo điều kiện thuận lợi để viên chức làm việc và cống hiến

Chánh án Tòa án NDTC Trương Hòa Bình đọc Tờ trình dự án Luật Tố tụng hành chính, nêu rõ, đến nay, ở nước ta chưa có Luật Tố tụng hành chính mà chỉ có Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính những năm qua cho thấy, các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính bộc lộ hạn chế và bất cập; có những quy định mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc chưa phù hợp, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau, làm giảm hiệu quả xử lý các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân, gây trở ngại cho người dân khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng hành chính là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính. Nhận xét dự thảo luật nói trên đã được ban soạn thảo chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp này. Về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau được nêu trong Tờ trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp của QH tán thành việc quy định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án theo phương án loại trừ; tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính. Ðồng thời, tán thành quy định về thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại và các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau. Ủy ban cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật quyền hạn của tòa án khi giải quyết vụ án hành chính; không nên quy định thủ tục thỏa thuận nhưng nên quy định việc đối thoại giữa người khởi kiện và bên bị kiện trong tố tụng hành chính.

Tiếp theo, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Viên chức, nêu rõ: Năm 1998 Pháp lệnh cán bộ, công chức được ban hành. Qua 10 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý viên chức, đội ngũ viên chức còn hạn chế. Luật Cán bộ, công chức được QH thông qua năm 2008 chỉ điều chỉnh cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan của Ðảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội mà không điều chỉnh viên chức trong đơn vị sự nghiệp của Ðảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội (sự nghiệp công lập). Việc ban hành luật nói trên nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm các phúc lợi cơ bản cho người dân; tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng, phát huy tính năng động, sáng tạo và tài năng của viên chức. Ðổi mới và nâng cao hiệu quả  quản lý nhà nước về viên chức, thúc đẩy phát triển khu vực sự nghiệp công lập; xây dựng cơ chế quản lý viên chức theo vị trí việc làm, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản lý đội ngũ viên chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viên chức cho biết, đây là một dự án luật quan trọng nhưng khó và phức tạp. Các quy định của dự án luật sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng luật và nhiều nội dung của dự án Luật Viên chức như Chính phủ đã trình. Về Ðiều 12, dự thảo  luật quy định quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành quy định việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng một cách tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội đồng thời phù hợp với quy định tại Ðiều 30 của Bộ luật Lao động.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nêu rõ, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ; các quy định pháp luật hiện hành có nhiều bất cập và không phù hợp yêu cầu của công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD trong tình hình mới. Nhiều hình thức bán hàng mới như bán hàng đa cấp, bán hàng tận cửa, bán hàng trực tuyến... tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đối với NTD. Sự ra đời của luật nói trên là một yêu cầu cấp thiết hiện nay để bảo đảm quyền lợi của NTD Việt Nam được tôn trọng và bảo vệ, đồng thời góp phần quan trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và sự phát triển của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Ðặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó Ủy ban này cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nói trên đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, dự thảo luật đã được soạn thảo công phu, khá chi tiết, đề xuất được nhiều giải pháp, cơ chế nhằm bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, dự thảo luật cần bổ sung, quy định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD, trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, trách nhiệm của Nhà nước trong một số loại hình dịch vụ công.

Quy hoạch, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về Ðồ án chung quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến cho rằng, đề án đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, lấy ý kiến góp ý của nhiều cơ quan chuyên môn và các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, về nội dung của đồ án, các đại biểu QH có nhiều ý kiến cụ thể.

Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến khẳng định, quy hoạch Thủ đô là vấn đề rất quan trọng, cần thiết được QH cho ý kiến góp ý, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt và các cơ quan chức năng từng bước triển khai trong thực tế. Có đại biểu cho rằng, để quy hoạch chung Thủ đô thành công, Chính phủ cần nắm bắt nhiều luồng thông tin, nghiên cứu kỹ lưỡng những điều kiện, nhu cầu của nhân dân về sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp cũng như cơ sở vật chất phục vụ xây dựng các đô thị vệ tinh và các khu đô thị mới. Một số ý kiến nhận định: Ðồ án quy hoạch chung Thủ đô chưa hướng tới giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của nhân dân hiện nay, như tình trạng ách tắc giao thông, ngập lụt tại nhiều tuyến đường phố... Việc đưa ra năm đô thị vệ tinh không phải là vấn đề mới, chưa rõ ràng và thậm chí đã gây ra tình trạng sốt đất đang rất "nóng" trong đời sống xã hội hiện nay. Một số đại biểu băn khoăn về định hướng giữ gìn các phố cổ Hà Nội và phát triển các khu đô thị mới có bảo đảm vừa bảo tồn bản sắc của Hà Nội cổ cũng như những nét đặc trưng của Thủ đô với phát triển các đô thị hiện đại hay không? Vì vậy, đề nghị làm rõ và cụ thể hơn nữa "tính Hà Nội" trong Ðồ án.

Trung tâm hành chính của đất nước được đặt ở đâu tại Thủ đô là vấn đề  được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến và đề xuất. Một số đại biểu nêu ý kiến: Ban soạn thảo đồ án cần giải  thích cụ thể và rõ ràng hơn khi chọn trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì và ý nghĩa kinh tế, văn hóa, xã hội của tuyến trục Thăng Long. Có đại biểu không nhất trí với chủ trương trung tâm hành chính quốc gia đặt tại Ba Vì với lý do không phù hợp về yếu tố lịch sử văn hóa và quốc phòng - an ninh. Ðồng thời, việc tách riêng trung tâm chính trị và hành chính ra là vấn đề cần xem xét và nghiên cứu thấu đáo.

Một số ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo Ðồ án cần lưu ý việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa đô thị và nông thôn, đưa các vùng nông thôn của Hà Nội sau khi sáp nhập phát triển cân đối với khu vực đô thị của Hà Nội. Cần làm rõ mô hình nông thôn mới và định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong lòng Thủ đô và việc phát triển quỹ đất ở cho khu vực nông thôn. Ngoài ra, cần có những định hướng giải quyết đất sản xuất, hình thành các khu sản xuất tập trung tại các làng nghề và hướng giải quyết các vấn đề môi trường ở nông thôn.

Một số đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Ðồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Ðặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của Ðồ án quy hoạch.

Ðồ án dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030, có từ 20 đến 30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng. Về vấn đề này một số đại biểu nêu rõ, hiện nay, bên cạnh Ðồ án quy hoạch chung Thủ đô, QH đang thảo luận dự án đường sắt cao tốc với số vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, đây là những vấn đề cần được cân nhắc bởi trong điều kiện của nước ta hiện nay chưa thể huy động được nguồn lực lớn như vậy ngay cả khi đã phân kỳ đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực quản lý đầu tư, việc giải phóng mặt bằng của các cấp chính quyền còn yếu, chưa thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế.

Một số đại biểu quan tâm vấn đề di dời các khu công nghiệp và tái sử dụng quỹ đất sau khi di dời các khu công nghiệp này như thế nào cho hợp lý và thiết thực; công tác giãn dân sẽ triển khai như thế nào để tránh gây xáo trộn trong đời sống xã hội; vấn đề thoát lũ cho Thủ đô và các vùng lân cận chưa được đề cập rõ ràng.

 

(http://www.nhandan.com.vn)