Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường (*) (Diễn văn của Chủ tịch QH NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

13/07/2010

 ...Hôm nay, tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, chúng ta long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; một trí thức lớn đầy tâm huyết với cách mạng; một nhà hoạt động chính trị-xã hội có uy tín và tài năng; người chiến sĩ cộng sản kiên định, tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

...Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).

Thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Thọ học tại Trường tiểu học Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Rạch Giá. Năm 1921, Ông được gia đình cho sang Pháp học. Sau bảy năm học tại Trường trung học Mi-gơ-nê, Nguyễn Hữu Thọ được nhận vào học khoa Luật Trường đại học Luật khoa và Văn khoa Ắc-xen Prô-xăng-xơ. Ngày 5-9-1932, Ông tốt nghiệp cử nhân luật với tấm bằng hạng ưu. Tháng 5-1933, Nguyễn Hữu Thọ rời nước Pháp trở về quê hương, làm luật sư tập sự rồi trở thành luật sư chính thức. Từ năm 1939, Ông thành lập Văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho, sau đó ở Vĩnh Long, Cần Thơ, rồi Sài Gòn - Chợ Lớn. Trực tiếp chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, cùng những phiên tòa do thực dân Pháp dựng lên để buộc tội các chiến sĩ khởi nghĩa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cảm phục tinh thần bất khuất vì lý tưởng cao cả của các chiến sĩ cộng sản, xót thương đồng bào, thấy rõ bản chất đen tối, tàn bạo của chính quyền thực dân. Con đường đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng bắt đầu từ đó.

Những biến động lịch sử dồn dập trong những năm 1940-1945 lôi cuốn Luật sư tham gia phong trào thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, Luật sư tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, sẵn sàng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.

Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, Luật sư thường xuyên giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức. Nhận lời mời của Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, Luật sư ra thăm chiến khu Ðồng Tháp Mười, được gặp gỡ những người kháng chiến và chứng kiến sự hy sinh anh dũng của họ; sự kiện này đã làm thay đổi căn bản nhận thức của Luật sư, thôi thúc Ông quyết dấn thân theo con đường cách mạng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Mặc dù rất muốn được chiến đấu ở bưng biền, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã chấp hành sự phân công của tổ chức là hoạt động công khai giữa Sài Gòn. Năm 1947, đồng chí từ Vĩnh Long lên Sài Gòn mở Văn phòng luật sư và hoạt động trong Ban trí vận Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tòa án trở thành vũ đài đấu tranh của Ông để bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ các đồng chí, đồng bào mình; tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược và chế độ thuộc địa. Luật sư đã tập hợp được những nhân sĩ tên tuổi nhất lúc đó ở miền nam, đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tìm giải pháp hòa bình và thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 16-10-1949, Luật sư đã vinh dự được kết nạp vào Ðảng cộng sản Ðông Dương. Ðây là dấu mốc quan trọng nhất và đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Ông.

Bằng uy tín cá nhân, tài năng tổ chức, Luật sư đã quy tụ quần chúng, học sinh, sinh viên và trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng. Nhiều phong trào do đồng chí lãnh đạo như: tổ chức đám tang Trần Văn Ơn với tên Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc (9-1-1950), cuộc tổng biểu dương lực lượng Ngày toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950) đuổi tàu chiến Mỹ khỏi hải phận Việt Nam... đã trở thành những sự kiện quốc gia. Văn phòng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ giữa Sài Gòn được xem như "Tổng hành dinh" của phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân thành phố và Nam Bộ.

Do những hoạt động yêu nước, năm 1950, đồng chí bị thực dân Pháp bắt nhiều lần tại Sài Gòn, lưu đày gần ba năm lên tận Mường Tè, tỉnh Lai Châu; cuối năm 1954 bị Mỹ - Diệm bắt giam và lưu đày suốt bảy năm ở Tuy Hòa và miền núi Củng Sơn, tỉnh Phú Yên. Tất cả những thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ của quân thù đều không lay chuyển được ý chí của nhà trí thức yêu nước. Cuối năm 1961, sau khi được lực lượng cách mạng giải thoát, Luật sư về chiến khu Dương Minh Châu, Tây Ninh. Và tại đây, vào tháng 2-1962, Ðại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam đã bầu Luật sư làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào và chiến sĩ miền nam.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương, giữa năm 1964, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã chủ trì Ðại hội lần thứ hai Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam để triển khai chủ trương tiếp tục mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phân hóa cao độ hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ hơn nữa sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Năm 1967, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chủ trì Ðại hội bất thường Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam để thảo luận và thông qua Cương lĩnh chính trị mới nhằm liên hiệp hành động với mọi lực lượng có thể liên hiệp được, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi hơn nữa, tạo sức mạnh tiếp tục đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn. Năm 1968, quân giải phóng miền nam đã đồng loạt tấn công Mỹ-ngụy ở các tỉnh, thành, quận lỵ, chi khu và cả Sài Gòn - đầu não chỉ huy chiến tranh của Mỹ-ngụy, buộc chúng phải ngồi vào bàn thương lượng hòa bình ở Pa-ri với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam.

Tháng 6-1969, Ðại hội đại biểu quốc dân toàn miền nam được tổ chức và ra Nghị quyết thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Ðại hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ. Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn về chính trị và ngoại giao của quân và dân miền nam, trong đó có vai trò của Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông thu về một mối, ngày 25-4-1976, trong Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trúng cử đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm rất cao; và tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (tháng 6-1976), Luật sư được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Tiếp sau đó, lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 4-1980); Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 7-1981); Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ tháng 11-1988) và Chủ tịch danh dự Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ tháng 8-1994).

Trong công tác đối ngoại, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đón tiếp nhiều đoàn đại biểu các nước đến thăm vùng giải phóng miền nam và các vị đại sứ đến trình Quốc thư; trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta; thăm hữu nghị nhiều nước nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam.

Trên các cương vị lãnh đạo Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật sư đã có nhiều chuyến thăm hữu nghị các nước để cảm ơn sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè năm châu đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta; đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

...Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng, 47 năm tuổi Ðảng, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ một trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, Luật sư đã từ bỏ mọi quyền lợi và bổng lộc, chấp nhận gian khổ, hy sinh, để dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng, rồi trở thành một người cộng sản, một nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào quần chúng. Ở mọi cương vị công tác, đồng chí đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng. Ðúng như đồng chí đã có lần tâm sự: "Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, thử thách to lớn đến thế nào, kể cả lúc đấu tranh giáp mặt trực diện với quân thù, dù chúng mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, bắt lưu đày cộng đến tám, chín năm trời, tôi vẫn không bao giờ nao núng, một lòng một dạ tận trung với nước, tận hiếu với dân, kiên trì con đường cách mạng"1.

Mặc dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn khẳng định, điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Ông là được đi theo con đường của Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Chính đạo đức, lý tưởng cao đẹp, cuộc đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng và động lực thu phục Luật sư đến với cách mạng và dẫn dắt Luật sư trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là một học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn toát lên đức tính thủy chung, tình nghĩa. Sinh ra và lớn lên từ miền quê sông nước Long An, nơi có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, được Ðảng và Nhà nước tặng tám chữ vàng "Trung dũng kiên cường-toàn dân đánh giặc", đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn phẩm chất hiên ngang, hào hiệp và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ với đức tính cẩn trọng, khiêm nhường của một nhà trí thức chân chính. Dù đi đâu, Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ vẫn luôn hướng về quê hương với tình cảm thân thương nhất; dành thời gian về thăm, làm việc, động viên, khích lệ Ðảng bộ và nhân dân quê nhà, chia sẻ những khó khăn trên con đường xây dựng và phát triển. Hình ảnh Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - bác Ba Thọ luôn là người con chí tình, chí nghĩa của Long An.

Sự ân tình, thủy chung, trong sáng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ còn thể hiện ở tình cảm đối với đồng bào, đồng chí, bạn bè và những người đã từng gặp gỡ, cộng tác với Ông. Luật sư đã đến thăm nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những vùng khó khăn. Khi tuổi đã cao, đồng chí vẫn trở lại thăm bà con ở miền núi Củng Sơn, Phú Yên; Bản Giẳng, Mường Tè, Lai Châu, nơi đã cưu mang, bảo vệ đồng chí trong thời gian bị địch giam cầm, quản thúc. TP Hồ Chí Minh, nơi gắn bó thời gian dài trên con đường hoạt động, nơi chứng kiến giờ phút huy hoàng nhất của Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mãi mãi in đậm trong trái tim của Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một nhà lãnh đạo có uy tín. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí đã cùng Chính phủ tổ chức chỉ đạo nhân dân cả nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, tái thiết và xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, tìm hướng phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; dành nhiều trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 và ký Lệnh công bố bản Hiến pháp đặc biệt quan trọng này.

Ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã thường xuyên quan tâm thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật, bảo đảm để Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình, khẳng định được chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch thường nói: "Tự do dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống luật pháp đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình"2. Trong điều hành, Chủ tịch rất mạnh dạn, có khi chấp nhận cả sự gai góc, nhưng có lý, có tình, vì lợi ích của đại cục, vì sự nhiệt thành với dân, với nước. Chủ tịch thường xuyên quan tâm đến việc giám sát giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri...

Với cương vị là Chủ tịch Mặt trận, đồng chí đã nhiều lần xuống địa phương tìm hiểu thực trạng, tháo gỡ khó khăn của công tác Mặt trận, đề xuất với Ðảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới, với mong muốn Mặt trận phải thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, quá khứ, chính kiến, tôn giáo, dân tộc... Xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo với tổ chức Mặt trận theo tinh thần Ðảng vừa là người lãnh đạo vừa là một thành viên của Mặt trận, làm sao để Mặt trận trở thành chỗ dựa chính trị tin cậy của Nhà nước.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một chính khách giản dị, chính trực, khiêm tốn, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, quan tâm gần gũi mọi người; sống trong sạch, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không bị cám dỗ trước tiền tài, danh lợi; phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Hội đồng hòa bình thế giới tặng thưởng Huân chương J.Cu-ri-ê. Nhà nước Liên Xô (trước đây) tặng Giải thưởng quốc tế Lê-nin và Huân chương Hữu nghị Vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc. Nhà nước Cu-ba tặng thưởng Huân chương Ðoàn kết-chiến đấu. Nhà nước Bun-ga-ri tặng giải thưởng Ði-mi-trốp...

...Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, biết ơn, và quan trọng hơn là, học tập và noi theo tấm gương của một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống; chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng và mọi biểu hiện tiêu cực khác. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mở rộng dân chủ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)