Bế mạc Phiên họp thứ Ba hai của UBTVQH

27/07/2010

* Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): Thanh tra nên độc lập với cơ quan quản lý nhà nước ở mức độ nào?

Sáng 26.7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế mạc Phiên họp thứ Ba hai.

 

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

 

Trình bày Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu rõ, một trong những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau giữa các ĐBQH khi cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XII là địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra. Một số ĐBQH cho rằng, thanh tra là công cụ của quản lý nhà nước nên cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng là cơ quan tham mưu, giúp việc và phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước. Một số ĐBQH lại cho rằng, để phát huy hiệu lực, hiệu quả của thanh tra thì cơ quan thanh tra phải được tổ chức theo hướng bảo đảm tính độc lập với cơ quan quản lý. Nhiều ĐBQH lại đề nghị, tổ chức cơ quan thanh tra theo hướng vừa gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước vừa có tính độc lập tương đối. Theo quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật  thì: việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này cần phải theo hướng nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng và của các cơ quan thanh tra nói chung. Tức là, Thanh tra Chính phủ phải có địa vị pháp lý như các bộ, cơ quan ngang bộ khác, có địa vị pháp lý độc lập, có phạm vi quản lý nhà nước riêng về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng..., chứ không thể chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ. Mặt khác, do hoạt động thanh tra là nhằm bảo đảm sự tuân theo pháp luật của các đối tượng chịu sự quản lý nhà nước nên để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì bản thân hoạt động thanh tra cần phải được thực hiện độc lập và dựa trên cơ sở pháp luật, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra; mọi sự can thiệp vào hoạt động thanh tra chỉ có thể được thực hiện nếu như pháp luật có quy định. Nếu vẫn tổ chức cơ quan thanh tra theo mô hình như hiện nay thì thanh tra sẽ không vượt qua được vòng kim cô của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

 

Cơ quan thanh tra có cần độc lập hoàn toàn với cơ quan quản lý nhà nước hay không?- Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, muốn làm rõ được địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra thì trước hết, cần thống nhất quan điểm có xem thanh tra là tai mắt của nhà quản lý như trước đây nữa hay không? Nếu vẫn quan niệm thanh tra là tai mắt của nhà quản lý thì tai mắt có thể tách rời cơ thể, hoàn toàn độc lập với cơ thể được không? Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, lâu nay, ta vẫn quan niệm cơ quan thanh tra là công cụ, phương tiện của quản lý nhà nước, gắn với cơ quan quản lý hành chính nhà nước và đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan hành chính. Nhưng điều đó không có nghĩa là cơ quan thanh tra phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan quản lý nhà nước theo kiểu chỉ đâu đánh đó như cơ quan giúp việc. Tán thành quan điểm này, một số Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, trên thực tế, với mô hình tổ chức cơ quan thanh tra như hiện nay thì cơ quan thanh tra cũng đã được bảo đảm tính độc lập tương đối. Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị trong trường hợp chưa tổ chức ngay được cơ quan thanh tra độc lập theo tinh thần của Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị thì nên tổ chức cơ quan thanh tra theo hướng tuy gắn với hoạt động quản lý Nhà nước nhưng vẫn có tính độc lập tương đối.

 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, một số Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trên cơ sở chương trình thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền ra quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và các kiến nghị ghi trong kết luận thanh tra. Đồng thời, xác định và phân định rõ thẩm quyền xử lý sai phạm của cơ quan thanh tra, của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra cũng như sau khi có kết luận thanh tra.

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)