Ngày làm việc thứ 14, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Nghe báo cáo và thảo luận về công tác tư pháp

06/11/2010

Ngày 5-11, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2010; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) về công tác của ngành kiểm sát nhân dân; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) về công tác ngành tòa án nhân dân; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án (THA) và công tác đặc xá năm 2010.

Ðồng thời, nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về các báo cáo nói trên và thảo luận tại hội trường các báo cáo về công tác tư pháp.

Hoạt động tư pháp có bước chuyển biến rõ nét

Ðầu giờ sáng, QH nghe Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương  tiếp tục vận động quần chúng nhân dân đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Ðẩy mạnh các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng lực lượng cho các tuyến cơ sở, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, nhằm giải quyết tình hình phức tạp ngay tại cơ sở. Triển khai nhiều kế hoạch đấu tranh tội phạm hình sự theo tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp; liên tục mở các đợt vận động quần chúng tập trung tiến công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Canh Dần 2010 và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai các kế hoạch phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế; kiểm tra chấn chỉnh và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu phòng, chống ma túy đến năm 2010; mở nhiều đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy trên toàn quốc.

Chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm được  nâng cao và có những chuyển biến tiến bộ hơn. Số vụ phạm tội theo thống kê giảm. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động  của tội phạm có tổ chức có chiều hướng phức tạp trở lại. Bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp. Tình trạng thanh niên, thiếu niên vi phạm pháp luật giảm, nhưng xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng gây lo lắng trong nhân dân. Nguyên nhân gia tăng của một số loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội tăng do nhiều yếu tố, trong đó có tác động mặt trái của cơ chế thị trường; sự xuống cấp về đạo đức xã hội của một bộ phận dân cư trong xã hội, tác động do phim ảnh, trò chơi bạo lực; công tác phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn bất cập.  Xác định tình hình tội phạm trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, Chính phủ đã đề ra sáu giải pháp và tập trung chỉ đạo thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Viện trưởng Viện KSNDTC Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo về công tác của ngành KSND. Theo đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện Kiểm sát đã chủ động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm, đồng thời hạn chế làm oan người vô tội. Công tác kiểm sát việc bắt giữ, tạm giữ, tạm giam được Viện kiểm sát các cấp thực hiện thận trọng. Viện kiểm sát các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Quản lý chặt chẽ việc áp dụng các căn cứ pháp luật trong trường hợp đình chỉ điều tra bị can, đình chỉ điều tra vụ án.   

Về công tác kiểm sát THA, toàn ngành đã tập trung kiểm sát các trường hợp bị kết án tù nhưng chưa thi hành, ủy thác thi hành án. Công tác kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, thẩm định hồ sơ xét đặc xá đạt kết quả tích cực, bảo đảm đúng đối tượng, đúng luật. Viện kiểm sát các cấp đã tăng cường kiểm sát việc tổ chức Thi hành án dân sự (THADS), nhất là việc phân loại các vụ việc có điều kiện và không có điều kiện THA. Viện KSNDTC đã phối hợp các cơ quan tư pháp T.Ư triển khai thực hiện đúng lộ trình, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp. Ngành kiểm sát đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tập trung triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về 'Ðề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, Viện kiểm sát và cơ quan điều tra'; tiếp tục hoàn thiện 'Ðề án mô hình tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp'.

Tiếp đó, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo về công tác của ngành TAND. Thời gian qua, TAND và tòa án quân sự các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Ðảng và Quốc hội, các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, của Ban Bí thư về tổ chức, hoạt động tòa án, với các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác xét xử, không để quá hạn luật định; phấn đấu không để xảy ra kết án oan người không có tội và bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Nhìn chung, việc xét xử các vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Bằng việc áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nên hầu hết các vụ án hình sự và đa số các vụ án dân sự, hành chính đều được giải quyết trong thời gian luật định. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử nghiêm minh, được sự ủng hộ của dư luận xã hội. Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, trong quý IV năm 2009 và bảy tháng đầu năm 2010, ngành TAND đã hoàn thành tốt công tác giải quyết, xét xử các vụ án, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo công tác THA và công tác đặc xá năm 2010.  Theo Báo cáo của Chính phủ, công tác THADS trong năm 2010 đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả THADS đạt được cao hơn năm 2009 và vượt chỉ tiêu đề ra. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tuy có chậm về tiến độ, nhưng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ngành đã tập trung kiện toàn bộ máy cán bộ từ Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp đến các Cục và Chi cục THADS. Nhiều địa phương đã thi hành được một số vụ án lớn, với số tiền thu được khá cao, đạt hoặc vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và giải quyết cơ bản, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Công tác thi hành án hình sự (THAHS) được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Công tác giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân tại các trại giam được chú trọng. Chế độ chính sách đối với phạm nhân được bảo đảm. Tiêu chuẩn chế độ sinh hoạt của phạm nhân được thực hiện đầy đủ; công tác thăm khám, chữa bệnh cho phạm nhân được thực hiện tốt.  Các trại giam đã thực hiện quy trình đề nghị giảm án cho phạm nhân theo đúng quy định đề ra.

Về công tác đặc xá: Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, công tác đặc xá năm 2010 bảo đảm đúng pháp luật; quá trình chỉ đạo, chuẩn bị và thực hiện bảo đảm các yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, được dư luận trong nước, ngoài nước đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Ðến nay, chưa phát hiện sai sót hoặc tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện công tác đặc xá. Sau khi Chủ tịch nước ký Quyết định về đặc xá năm 2010 và Quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá T.Ư năm 2010, các ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban chỉ đạo và các đơn vị địa phương, các trại giam, tạm giam đã thành lập Hội đồng đề nghị đặc xá. Công tác tổ chức triển khai lập hồ sơ xét duyệt, đề nghị đặc xá bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch. Ðiều kiện đặc xá được phổ biến tới từng phạm nhân để họ tự liên hệ, bình chọn, bỏ phiếu.

Sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, QH đã nghe Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, về công tác thi hành án, các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, của Viện trưởng Viện KSNDTC năm 2010 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, các báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC và Viện trưởng KSNDTC về cơ bản đã nêu được các mặt công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và những mặt tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng lĩnh vực công tác. Các báo cáo đã phân tích những nguyên nhân và đưa ra kiến nghị, giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, các báo cáo còn một số hạn chế. Cụ thể: Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ mới chỉ tập trung đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành Công an và một số cơ quan chức năng mà chưa đề cập công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các bộ, ngành, địa phương, trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra  như kiểm lâm, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... Mặt khác, Báo cáo của Chính phủ cũng chưa phân tích sâu về tình hình hoạt động điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra; về tổ chức bộ máy, điều kiện cơ sở vật chất của Cơ quan điều tra để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Báo cáo của Viện trưởng Viện KSNDTC chưa đánh giá sâu về thực hiện bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát các cấp và công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bồi thường cho người bị oan thuộc trách nhiệm của các cơ quan tư pháp khác.

Về công tác THA, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2010 cùng với việc triển khai thi hành Luật THADS, công tác THADS tiếp tục có chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Nhiều cơ quan THADS đã làm tốt công tác vận động, thuyết phục người phải THADS tự giác chấp hành nghĩa vụ, đồng thời cương quyết cưỡng chế THADS theo đúng pháp luật. Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về công tác THAHS và cho rằng, trong lĩnh vực THA phạt tù, các cơ quan THAHS đã thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc xây dựng hồ sơ đưa người bị kết án tù đến nơi chấp hành án. Công tác quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân được thực hiện nghiêm túc. Chế độ ăn, mặc, ở của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định. Về công tác đặc xá, Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng, kết quả đặc xá năm 2010 đã có tác dụng tích cực, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, được dư luận đánh giá cao. Ðồng thời, kết quả thực hiện đặc xá cũng phản ánh nỗ lực, cố gắng của lực lượng THAHS và hỗ trợ tư pháp trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân để có nhiều người cải tạo tốt, đủ điều kiện hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Cương quyết hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm

Thảo luận các báo cáo nói trên về công tác tư pháp năm 2010, các đại biểu khẳng định, thời gian qua lực lượng công an đã có nhiều cố gắng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự. Theo Báo cáo của Chính phủ, các loại vi phạm pháp luật và tội phạm đều giảm, tai nạn giao thông đã được kiềm chế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn phức tạp, một số loại tội phạm gia tăng, gây hậu quả xấu về nhiều mặt nhưng công tác phát hiện, đấu tranh còn nhiều hạn chế, phát hiện và xử lý còn chậm, hiệu quả chưa cao; lực lượng công an cấp cơ sở còn hạn chế về năng lực, phương tiện, trình độ. Ðại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua vẫn còn xảy ra nhiều vụ phạm pháp hình sự nghiêm trọng như, giết người, cướp của, nạn bạo lực học đường mà có nguyên nhân do quản lý thiếu chặt chẽ trong một số lĩnh vực văn hóa - xã hội như buông lỏng dịch vụ game online, các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật nhạy cảm, phim ảnh bạo lực... Ðại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc xã hội và đề nghị cần tăng cường phổ biến kiến thức chăm sóc, nuôi dạy con cho các phụ huynh. Nhà trường cần đầu tư hơn cho môn giáo dục công dân để bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh biết tự bảo vệ mình, đầu tư nơi vui chơi cho trẻ em, quản lý chặt chẽ game online. Ðại biểu Phạm Quốc Anh (Ðồng Nai) đưa ra nhận định, tình hình TTATXH vẫn diễn biến phức tạp, bức xúc nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em;  giết người thân; tội phạm vị thành niên, người nước ngoài phạm tội và tội phạm  tham nhũng, nhất là tham nhũng đất đai. Ðại biểu Nguyễn Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế) phân tích nguyên nhân tình trạng tội phạm gia tăng do công tác phòng ngừa xã hội còn yếu, trách nhiệm các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội hạn chế, thiếu tích cực trong phòng, chống tội phạm và đề nghị nên sửa Ðiều 15 Bộ luật Hình sự quy định về 'phòng vệ chính đáng' để ngăn chặn hiệu quả nạn chống người thi hành công vụ tăng. Ðại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại đề cập một vấn đề hết sức nóng bỏng là tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn gia tăng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức người tham gia giao thông. Ðồng thời đề nghị cần có giải pháp như loại bỏ hình thức tuyên truyền không hiệu quả, tăng cường tuyên truyền qua hình ảnh, thông tin đại chúng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đầu tư sửa chữa các tuyến đường giao thông.

Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề cập thiếu sót của ngành công an là tình trạng xảy ra một số vụ đột tử do tạm giữ ở trụ sở công an và có vụ được kết luận do công an đánh và đề nghị cần chấn chỉnh ngay. Số tội phạm lẩn trốn ngoài xã hội còn nhiều, nhưng có cả trường hợp phạm tội quả tang móc túi,  trên xe buýt đưa đến công an, công an thả ngay, vì móc túi chưa đến 2 triệu đồng. Nguyện vọng của cử tri là lực lượng công an cần cương quyết hơn nữa đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho đất nước. Cán bộ công an phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ 'đối với dân phải kính trọng lễ phép'. Ðại biểu  Lê Văn Tâm (Cần Thơ) kiến nghị cần tăng cường lực lượng công an cấp cơ sở và có quy định chặt chẽ về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng phòng, chống tội phạm, còn đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) đề nghị cần bảo đảm trang bị phương tiện, vũ khí công vụ cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm giúp họ tự tin khi xử lý công việc.

Về phòng, chống tham nhũng và tội phạm tham nhũng, đại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) và nhiều đại biểu nhận định, tham nhũng lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi, vẫn là mối bức xúc; xử lý phòng, chống tham nhũng có lúc chưa kịp thời, chưa nghiêm, nhất là người đứng đầu. Ðại biểu Ðặng Văn Xướng (Long An) và đại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh)  cho rằng, không nên căn cứ đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ là số vụ cơ quan điều tra khởi tố, Viện KSNDTC truy tố, Tòa án NDTC xét xử giảm mà nhận định tình hình tham nhũng giảm. Theo đại biểu Ðặng Văn Xướng (Long An), tham nhũng ngày càng tinh vi, quy mô, tính chất phức tạp, tác hại càng lớn, thường 'dính' đến nhiều cấp, nhiều người; trong khi đó yếu tố tự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phát hiện còn yếu. Chính phủ cần cân nhắc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2010 để có giải pháp hợp lý trong năm 2011 như nâng cao nhận thức trách nhiệm cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, chủ động phòng, chống ở cơ sở, tránh thái độ vô cảm, bàng quan, sống chung với tham nhũng; xét xử đúng người, đúng tội. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) đề nghị sớm sửa Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó cán bộ, công chức công khai tài sản, thu nhập và phải công bố hằng năm và có chiến lược phòng, chống tham nhũng sâu sát với các lĩnh vực nổi cộm như hải quan, thuế, cảnh sát giao thông...

Các đại biểu cũng thống nhất với nhận định của Ủy ban Tư pháp QH, năm 2010, công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKS các cấp; công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự và xét xử các vụ án hành chính, công tác kiểm sát thi hành án đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên,  bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Năm 2010, tòa án các cấp đã có nhiều cố gắng trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự đạt cao (95%), công tác kiểm tra giám đốc án và giải quyết đơn thư khiếu nại, đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên tỷ lệ các bản án, quyết định về hình sự bị hủy vẫn tăng so với năm 2009;   tồn đọng khá lớn số vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, những hoạt động của ngành kiểm sát, tòa án vẫn chưa tương xứng với thực tiễn, chế độ đãi ngộ cán bộ chưa thu hút được người tài và kiến nghị cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, nâng cao cơ sở vật chất cho tòa án cấp huyện; tăng cường hợp tác pháp lý về tương trợ tư pháp với các nước láng giềng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Ðại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) và Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, xử phạt hành chính là một biện pháp trong phòng ngừa vi phạm pháp luật, tuy nhiên thực tế hình thức xử lý vi phạm hành chính còn nhẹ, không có tác dụng răn đe, xử phạt chưa nghiêm. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề nghị ngành kiểm sát và tòa án phải tăng cường chống tiêu cực và đề nghị đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án giám đốc thẩm, điển hình là vụ ba thanh niên ở Hà Tây bị án oan, Viện KSNDTC đã có kháng nghị nhưng hai lần tòa án hoãn xử. Ðại biểu Phạm Quốc Anh (Ðồng Nai) cho rằng, lĩnh vực tư pháp rất quan trọng và đề nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư cần có định hướng công tác này giai đoạn 2011- 2015.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)