Hội thảo trao đổi về môi trường, biến đổi khí hậu và vai trò của cơ quan lập pháp

17/12/2010

Ngày 15.12, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp với Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo Trao đổi kinh nghiệm về vai trò của Nghị viện Pháp ngữ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son chủ trì Hội thảo.

Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia không thể tránh khỏi tác động tiêu cực tới môi trường. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường luôn là yếu tố căn bản của phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu đã rõ nét hơn, đặc biệt là tại quốc gia nghèo, kém phát triển. Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là các vấn đề thời sự đang được quan tâm đặc biệt trên thế giới. Ý thức được vai trò quan trọng của vấn đề này, từ năm 1990 đến nay, QH đã thông qua nhiều luật có liên quan; có nhiều văn bản luật định hướng cho ứng phó với biến đổi khí hậu. QH cũng đã xác định những dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sẽ phải trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Tại các Nghị quyết về kinh tế - xã hội đều yêu cầu phát triển nhanh phải đi đôi với hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH đã tiến hành nhiều cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định, nước ta là một trong năm nước chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nên cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng Pháp ngữ cần tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thể chế chính sách; hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác này; sớm thành lập cơ chế trao đổi thông tin Nghị viện về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu giữa Nghị viện các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều đại biểu cho rằng, QH cần ban hành Nghị quyết về ứng phó với biến đổi khí hậu làm định hướng cho việc triển khai thực hiện và huy động nguồn lực cho công tác này; sớm ban hành Luật Về phòng chống thiên tai; tăng đầu tư ngân sách cho thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong xây dựng chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu cần chú trọng quan điểm thích ứng và có sự lồng ghép vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung. Các tiêu chí về ứng phó với biến đổi khí hậu cần được luật hóa, để tạo căn cứ cho các cơ quan của QH thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình.

 

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)