Tại Diễn đàn APPF 19: Việt Nam ủng hộ và kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các thể chế nghị viện, giữa lập pháp với hành pháp

28/01/2011

Đoàn ĐBQH Việt Nam đến Mông Cổ dự Hội nghị thường niên của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 19 vào các ngày 23-27.1.2011, khi nhiệt độ ở Ulanbator xuống tới âm 36 độ. Khi tiếp các đoàn nghị viện đến từ châu Á- Thái Bình Dương, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Mông Cổ cám ơn các nghị sỹ đã bất chấp thời tiết ở một Thủ đô, một đất nước có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới, để có mặt tại APPF 19, đem lại niềm vinh dự cho Mông Cổ.

Chúng tôi hiểu, đó không phải là lời cám ơn khách sáo mà rất thật, rất chân thành. Ở Ulanbator tuy chỉ có tuyết nhẹ nhưng rất rét, cái rét giữa đông thật sâu và khô của khí hậu lục địa thảo nguyên và hoang mạc Gôbi. Năm nay cũng là năm lạnh đặc biệt của Mông Cổ, đàn gia súc cũng bị chết rất nhiều, giảm từ 44 triệu con xuống còn 32 triệu con. Cũng vì rét, mà không khí ở Thủ đô cũng bị ô nhiễm trầm trọng do người dân sử dụng than đá để sưởi quá nhiều.

 

APPF 19 lần này có 19 Đoàn đại biểu nghị viện thành viên với 233 đại biểu và đại diện nhiều tổ chức quốc tế. Một số Đoàn do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch QH làm Trưởng đoàn; một số đoàn do lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội dẫn đầu. Một số đoàn có thành phần rất đông. Đoàn nghị sỹ Liên bang Nga với 31 đại biểu, đoàn Nhật Bản với 25 đại biểu, đoàn Trung Quốc 20 đại biểu. Đoàn ĐBQH Việt Nam do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son làm trưởng đoàn.

 

APPF 19 tập trung vào những vấn đề thời sự nóng hổi nhất của khu vực và thế giới đang yêu cầu phải có nỗ lực hành động và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia cũng như của các nghị viện để giải quyết. Đó là các vấn đề về: chính trị và an ninh khu vực, kinh tế và thương mại, hợp tác khu vực và cải cách hoạt động của APPF trong tương lai. Đoàn ĐBQH Việt Nam đã tham gia tất cả các phiên họp toàn thể, thảo luận các nội dung chính của Hội nghị. Trong các phiên họp toàn thể thảo luận các chủ đề khác nhau, Đoàn Việt Nam đã có đóng góp tích cực. Thảo luận về chủ đề kinh tế - xã hội khu vực, ĐBQH Trần Văn cho rằng: các nền kinh tế thành viên cần tăng cường chính sách và phối hợp hành động để bảo đảm quá trình phục hồi kinh tế không bị đảo ngược; đồng thời tiếp tục thúc đẩy đầu tư, thương mại, đón đầu giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Thảo luận về cải tiến APPF, ĐBQH Ngô Quang Xuân kiến nghị: đổi mới quy cách làm việc của Diễn đàn APPF theo hướng chuyển các chủ đề thảo luận tại phiên toàn thể thành thảo luận tại các ủy ban của APPF, tương tự như hình thức họp của Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA), nhằm tạo điều kiện để các Đoàn nghị sỹ thành viên tham gia thảo luận có hiệu quả hơn. Cần cân nhắc về việc thành lập Ban thư ký thường trực APPF với vai trò thường trực, chịu trách nhiệm điều phối, thúc đẩy các hoạt động của APPF, hỗ trợ nước chủ nhà của APPF và đại diện cho APPF tại các diễn đàn đa phương khác.

 

Đoàn Việt Nam đã đề xuất hai nghị quyết về biến đổi khí hậu và thực hiện “Mục tiêu thiên niên kỷ”. Sáng kiến của Đoàn Việt Nam đã được nhiều Đoàn chia sẻ, ủng hộ và đã được thông qua như văn kiện chính thức của Hội nghị. Tại Diễn đàn APPF 19, Trưởng đoàn Việt Nam, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son nhận định, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn luôn được ghi nhận là khu vực của thế kỷ XXI, khu vực phát triển kinh tế năng động nhất. Tuy nhiên đây cũng là khu vực phức tạp, dễ tổn thương với nhiều biến động về chính trị, an ninh như: căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề biển Đông và sự bất ổn của nhiều nền kinh tế. Châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi hứng chịu những thảm họa thiên tai nặng nề, hệ quả của biến đổi khí hậu. Hội nghị thường niên APPF 19 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đang trải qua một thời kỳ khó khăn và nhiều rủi ro nhất kể từ nhiều thập kỷ qua. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, nhưng cũng cho chúng ta nhận thấy rõ hơn những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế - tài chính thế giới cũng như của mỗi nền kinh tế; đồng thời cảm nhận một cách sâu sắc tính bất ổn và khó dự đoán của một thế giới đang chuyển biến với tốc độ ngày càng cao. Có thể nói, chưa bao giờ các quốc gia phải dành nhiều nguồn lực như hiện nay để đối phó với những nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Việc tạo dựng, củng cố, bảo vệ hòa bình và đối thoại, hợp tác trên bán đảo Triều Tiên, khu vực Biển Đông, cũng như hoạt động  cứu hộ cứu nạn, đối phó với nạn cướp biển, thiên tai, dịch bệnh... đang ngày càng thu hút mối quan tâm rộng rãi của các quốc gia thành viên trong cộng đồng khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

 

Những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính cũng đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với an ninh và ổn định của khu vực, ảnh hưởng đến những nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015; đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, khi mà sẽ có khoảng 21 triệu người tiếp tục chìm sâu hơn trong nghèo đói (theo báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á). Cuộc khủng hoảng lần này xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra cho tất cả quốc gia trong khu vực  yêu cầu phải có sự phối hợp hành động chung để sử dụng có hiệu quả và hữu hiệu các nguồn lực hiện có. Sự biến đổi khí hậu do con người gây ra diễn biến vô cùng phức tạp, đe dọa sự phát triển của nhiều quốc gia - cũng đang là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Với 86 triệu dân và hơn 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương khi nước biển dâng do trái đất ấm lên gây ra. Tất cả quốc gia, cho dù là Việt Nam, Mông Cổ, Australia hay Indonesia...  - những quốc gia có khác nhau về văn hóa, chính trị, ngôn ngữ, trình độ phát triển kinh tế, nhưng đều sẽ chịu chung những tổn thất nghiêm trọng khi khí hậu biến đổi. Đoàn ĐBQH Việt Nam ủng hộ và kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các cơ chế khác nhau trong khu vực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực chung của khu vực và thế giới trong bảo đảm an ninh khu vực, duy trì hòa bình, đối phó với biến đổi khí hậu, và cùng nhau vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Sự hợp tác có thể đa dạng dưới nhiều hình thức như: hợp tác giữa các tiểu khu vực, liên khu vực như APEC, ASEAN, và hợp tác giữa các thể chế nghị viện như APPF, AIPA, hoặc giữa thể chế nghị viện với hành pháp như ASEAN - AIPA...

 

Năm 2010, Việt Nam vinh dự giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời là Chủ tịch của Đại hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA). Trên cương vị của mình, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN với chủ đề xuyên suốt là Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động nhằm tăng cường hợp tác và đẩy nhanh liên kết khu vực, kết nối các nền kinh tế trong khu vực. Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 với chủ đề Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN nhằm tăng cường tình đoàn kết và sự gắn kết chặt chẽ, toàn diện giữa các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong việc ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, đối phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... hướng tới bảo đảm cuộc sống an toàn, thịnh vượng cho người dân và sự phát triển bền vững của các quốc gia trong khu vực.

 

Qua APPF, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã chuyển thông điệp: Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự trao đổi và phối hợp chặt chẽ giữa hai kênh lập pháp và hành pháp của ASEAN. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN không còn xa, các nước ASEAN, với sự ủng hộ và giúp đỡ của các bạn bè, đối tác khác trong APPF, cần chung tay nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai hiệu quả các chương trình và kế hoạch hợp tác, nhằm thực hiện thành công mục tiêu này, để tiếp tục gia tăng liên kết khu vực ASEAN, góp phần làm cho hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng hiệu quả tích cực hơn.

 

Bên lề của APPF, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã gặp gỡ với Đoàn ĐBQH Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Mông Cổ, Canada và một số nước khác. Bạn bè hoan nghênh sự có mặt và đóng góp của Đoàn ĐBQH Việt Nam. Các cuộc gặp gỡ này góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam, giữa QH Việt Nam và các ĐBQH Việt Nam với các quốc gia, các nghị viện và nghị sỹ trong khu vực. Hội kiến với Đoàn Nhật Bản, Việt Nam đề nghị Nhật Bản với tư cách là chủ nhà của APPF 20, nghiên cứu cơ chế hợp tác APPF - APEC, APPF - AIPA, APPF – ASEAN...; cân nhắc có thể tổ chức hội nghị chuyên đề của APPF để bàn về việc thành lập Ban thư ký trong thời gian từ nay đến Diễn đàn lần thứ 20 tại Nhật Bản góp phần cho hoạt động của APPF ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

 

Cùng với các tổ chức liên nghị viện khu vực khác như Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Đại hội đồng Liên nghị viện châu Á (APA), trong những năm qua APPF đã có những đóng góp xứng đáng vào hòa bình, ổn định và phát triển thông qua những hoạt động tích cực của các nghị viện thành viên cũng như cá nhân từng nghị sỹ. Vai trò của APPF ngày càng quan trọng, vì đây là diễn đàn hỗ trợ cho các hoạt động của APEC. Tuy nhiên, với những biến đổi nhanh chóng của quá trình toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam nhấn mạnh: đã đến lúc các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương phải đề ra một cơ cấu chặt chẽ hơn cho APPF cũng như tăng cường phối hợp giữa tổ chức này với các tổ chức khu vực và quốc tế khác.

 

APPF 19 được Mông Cổ tổ chức chu đáo và thành công tốt đẹp. Đất nước Mông Cổ có lịch sử lâu đời và nền văn hóa độc đáo. Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam rất nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn, bất chấp giá rét. Đại sứ ta kể rằng, Mông Cổ có năm con gia súc chính: con lạc đà được coi như xe tải để vận chuyển; con ngựa coi như xe máy, xe hơi để đi lại; con bò cung cấp sữa, thịt; con cừu, con dê cho đồ ấm để mặc... Thời tiết Mông Cổ vô cùng khắc nghiệt. Thế nhưng, với bản chất cần cù, chăm chỉ, mạnh mẽ, người dân Mông Cổ vẫn chủ động tích cực tham gia đời sống chính trị và kinh tế khu vực và thế giới, nhanh chóng hội nhập với thế giới.

Trần Văn

(http://daibieunhandan.vn)