Phải bình ổn giá từ khâu sản xuất

05/08/2011

Ý kiến nhiều đại biểu đề nghị, cần tăng cường hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt là khâu tạo ra sản phẩm để kiềm chế sự tăng giá.

Sáng 4/8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách 6 tháng cuối năm 2011.

Các ý kiến các đại biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là 8 giải pháp nhằm phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Nên hỗ trợ từ khâu tạo sản phẩm

Đề cập đến quản lý giá, đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là chủ trương đúng nhưng việc thực hiện cụ thể cần phải tăng cường. Cần kiềm chế giá từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông.

“Giá thực phẩm tăng liên tục vì sao?”, theo đại biểu Bùi Thị An, cầu nhiều, cung ít, nông dân thiếu vốn sản xuất là một nguyên nhân gây nên sự khan hiếm và đẩy giá lên. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên có tín dụng đặc biệt hỗ trợ cho chăn nuôi, trồng trọt.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, Quỹ bình ổn giá mà Thành phố Hà Nội đang thực hiện thể hiện sự nỗ lực trong hỗ trợ đời sống người dân. Tuy nhiên, “Quỹ bình ổn giá có thật sự bình ổn giá hay không vì có khi nơi được bình ổn giá lại cao hơn giá thị trường?”.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, do nguồn lực có hạn, quỹ không thể bình ổn hết, mà cần hỗ trợ sản xuất kinh doanh để giảm giá thành ngay từ đầu vào. “Có bình ổn giá được hay không phụ thuộc vào năng lực sản xuất, do đó phải đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ vốn cho nông dân. Nếu không đầu tư vào đối tượng này thì thế mạnh về nông nghiệp sẽ không được phát huy”, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhấn mạnh.

Có ý kiến đại biểu tỏ ra bức xúc khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, có thế mạnh về nông nghiệp mà giá thực phẩm tăng hơn 24% là điều khó chấp nhận.

Tình hình kinh tế nước ta những tháng cuối năm còn đối diện nhiều khó khăn thách thức trong khi những chỉ tiêu đặt ra phần lớn phải thực hiện cho được trong khoảng thời gian này, dẫn đến áp lực càng tăng.

Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là đúng đắn nhưng cũng có thể dẫn đến đình đốn sản xuất, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hẹp sản xuất, việc làm giảm, đình công tăng thì đời sống an sinh dĩ nhiên bị ảnh hưởng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Hà Nội) cho rằng cần hỗ trợ thẳng vào những khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là lãi suất quá cao, tuy nhiên phải đúng và phù hợp đối tượng.

Cơ hội để thanh lọc các ngân hàng

Vấn đề lãi suất tăng cao là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đây cũng là một trong những bài toán đặt ra với Chính phủ mới trong điều hành nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là thời điểm khó khăn nhưng là cơ hội để thanh lọc ngân hàng. Bởi lãi suất tăng cao một phần do nhiều ngân hàng yếu về vốn nên thiếu tiền mặt dẫn đến những hình thức huy động không hợp pháp, không chính thống.

Do đó, theo đại biểu, Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao vai trò của mình trong việc quản lý. “Tăng trưởng tín dụng 20% không nên áp dụng cho tất cả các ngân hàng mà cần qua thanh lọc để có mức áp khác nhau, từ đó thúc đẩy sản xuất”, ông Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến.

Có ý kiến đại biểu cho rằng lãi suất ngân hàng tăng cao còn do quản lý còn yếu về một số mặt. Tình trạng “bong bóng” bất động sản cho thấy người dân vay vốn đổ xô đi mua đất, dù lãi suất cao người ta vẫn vay vì vẫn có lãi. Từ đó ngân hàng lại huy động vốn bằng nhiều kênh để cho vay.

Quản lý về nhập khẩu chưa thắt chặt khiến nhiều mặt hàng xa xỉ tràn về Việt Nam, và đương nhiên người dân, doanh nghiệp phải huy động tiền để nhập. Một đại biểu nêu ví dụ: Một bộ salon mua ở Trung Quốc giá 9 triệu đồng nhưng về Việt Nam bán 25 triệu đồng, có lãi nên người kinh doanh vẫn nhập.

Ngoài ra, ý kiến nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề về vai trò của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước. Đây gần như là những đơn vị duy nhất sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng vai trò chưa cao, hiệu quả chưa xứng tầm.

“Thực hiện khai thác tài nguyên của đất nước nhưng lại sử dụng tiền để chạy theo trào lưu đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực khác, hiệu quả không cao là không được”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng Chính phủ cần trình ra Quốc hội chương trình thực hiện trong cả nhiệm kỳ để có cơ chế giám sát và sự điều chỉnh ít ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

“Chính phủ cần có giải pháp dài hạn chứ không phải từng năm một. Từ đó Quốc hội mới đánh giá được mục tiêu và mức độ hoàn thành các chỉ tiêu”, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu ý kiến./.

 

 

Ngọc Thành

(http://vov.vn/)