Ngày làm việc thứ 12, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992; thành lập ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

05/08/2011

Ngày 4-8, Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 12. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước sáu tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Ðánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội sáu tháng đầu năm 2011, hầu hết ý kiến phát biểu nhất trí với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII. Trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế thế giới và trong nước hai tháng cuối năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 diễn biến không thuận lợi, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn tác động nền kinh tế nước ta... Trong bối cảnh đó, triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của QH và Chính phủ; với quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương; sự cố gắng tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình kinh tế-xã hội những tháng gần đây ở nước ta đã có một số chuyển biến tích cực.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận tám nhóm giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH sáu tháng cuối năm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2011 ở mức cao nhất. Một số đại biểu cho rằng, mặc dù kinh tế vĩ mô nước ta đã có chuyển biến theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có dấu hiệu trở lại quỹ đạo ổn định, nhưng tình hình kinh tế sáu tháng cuối năm 2011 còn không ít khó khăn, thách thức. Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ. Trong điều hành cần linh hoạt, vừa phải bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, cần chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng để ổn định và từng bước giảm mặt bằng lãi suất nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài các giải pháp tiền tệ đã nói trên nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay với lãi suất hợp lý, một số đại biểu cho rằng, cần sớm triển khai thực hiện phương án miễn, giảm, dãn một số sắc thuế, đồng thời tăng cường quản lý để các chính sách được thực hiện đúng, mang lại hiệu quả cao.

Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường và Ðào Văn Bình (Hà Nội), trong lĩnh vực an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành khá nhiều chính sách, tuy nhiên vẫn còn những chính sách chưa đi vào cuộc sống. Thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Khi ban hành các chính sách mới cần quan tâm đến nguồn lực để bảo đảm thực hiện có hiệu quả. Thực hiện phương án điều chỉnh lương tối thiểu đối với người lao động trong các doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của người lao động ở khu công nghiệp...

Ðối với một số vấn đề liên quan giới doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) cho rằng, cần hỗ trợ thẳng vào chỗ khó khăn nhất hiện nay đó là lãi suất vay quá cao. Bởi khó khăn của doanh nghiệp cũng dẫn đến những bất ổn chung cho xã hội như thiếu việc làm, thất nghiệp... Nếu doanh nghiệp dừng sản xuất sẽ khan hiếm hàng hóa và giá cả khó kiềm chế do lệch cán cân cung - cầu. Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh, tính quan trọng trong khung pháp lý cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, từ năm 2003 trở lại đây, việc cấp phép cho các tổ chức tín dụng cả nước ngoài lẫn trong nước phát triển quá nhiều; do đó cần rà soát lại, nhất là các ngân hàng có yếu tố nước ngoài để giữ sự cạnh tranh lành mạnh cho ngân hàng trong nước. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phát huy hơn nữa vai trò quản lý và điều tiết, nhất là khung lãi suất.

Một số đại biểu cho rằng, việc giảm, dãn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số đối tượng như trong Tờ trình Chính phủ là cần thiết. Trong điều kiện hiện nay cần chia sẻ với doanh nghiệp, nên giảm lãi suất để hỗ trợ  doanh nghiệp. Ðể vừa có thể kiềm chế được lạm phát mà không làm suy giảm, đình đốn trong sản xuất, kinh doanh, cần có  những giải pháp quyết liệt hơn nữa,  bảo đảm tính khả thi và mang lại hiệu quả cao.

Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp        năm 1992.

Quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 dựa trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ định hướng, nội dung Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện của Ðảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thật sự cần thiết, phù hợp tình hình mới, phù hợp những nội dung đã được văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng xác định. Tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được khẳng định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992. Khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động  và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; là Ðảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội...

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH đưa ra một số định hướng lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; Khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp, xác định rõ hơn phạm vi, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Bảo đảm mục tiêu, định hướng chính sách lớn phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Về tổ chức bộ máy nhà nước, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 khẳng định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp; thực hiện quyền giám sát tối cao; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân và chính quyền địa phương.

Ủy ban Thường vụ QH xác định, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cho nên phải tiến hành chặt chẽ, khoa học dưới sự chỉ đạo của Ðảng, bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý; Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Theo dự kiến, sau khi tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý và nhân dân, ban soạn thảo sẽ trình QH bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trong hai tháng (từ tháng 3 đến tháng 4-2013). Trên cơ sở  tiếp thu ý kiến đóng góp của QH, các chuyên gia, các nhà khoa học và ý kiến rộng rãi của nhân dân, Ủy ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ trình QH thông qua Dự thảo Hiến pháp vào tháng 10-2013.

Tiếp đó, ông Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về việc thành lập Ủy ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung  Hiến pháp năm 1992. Theo đó, Ủy ban gồm 27 vị do Chủ tịch QH làm Chủ tịch Ủy ban. Tham gia Ủy ban có đại diện các cơ quan, tổ chức ở T.Ư.

Thảo luận về hai Tờ trình nói trên, các đại biểu thống nhất cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về tính cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như quan điểm và định hướng lớn trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn một số nội dung trong Tờ trình. Ðại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, Hiến pháp sửa đổi phải khẳng định và nêu bật hơn nữa sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, khẳng định rõ hơn quyền của người dân, xác định rõ hơn phạm vi quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp phải làm rõ hơn cơ chế Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Việc sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải có tính khả thi và ở tầm hiến định để phát huy tối đa nhân tố con người. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp phải thể chế hóa đường lối, quan điểm, các chủ trương, các chính sách lớn của Ðảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng về đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, việc sửa đổi Hiến pháp phải bảo đảm tính kế thừa và phát huy những thành tựu của Hiến pháp năm 1992, bảo đảm tính ổn định lâu dài của bản Hiến pháp mới. Nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, do vậy Hiến pháp cần xây dựng tạo điều kiện để Việt Nam tham gia vào các hoạt động quốc tế sâu rộng hơn nữa, đa dạng hơn nữa. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung đại diện của Ủy ban Tư pháp của QH vào thành phần Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì đây là cơ quan tham mưu, giám sát về xây dựng pháp luật của QH.

(http://nhandan.com.vn/)