Ủy ban Kinh tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi

24/08/2011

Ngày 23.8, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thành lập để bảo vệ người gửi tiền, cũng như quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính; đồng thời, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng; xây dựng và bảo vệ niềm tin của người dân với tổ chức tín dụng, góp phần tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong 10 năm qua, hoạt động bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ, chức năng trên cơ sở quy định của các Nghị định do Chính phủ ban hành.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi để phù hợp với điều kiện mới của đất nước cũng như thông lệ quốc tế. Thực tế, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, bảo hiểm tiền gửi là loại bảo hiểm bắt buộc nhằm bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội. Theo thông lệ, việc bắt buộc chuyển tài sản tư của người này sang người khác thường phải được quy định trong luật hoặc thông qua quyết định của cơ quan tư pháp, Tòa án. Ngoài ra, người gửi tiền là người tiêu dùng dịch vụ tài chính cần được bảo vệ theo các điều kiện đặc thù. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành chưa có các quy định này.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần kế thừa và phát huy các kinh nghiệm triển khai hoạt động này tại nước ta; nghiên cứu, tiếp thu các văn bản quy phạm pháp luật tương đương trên thế giới. Đối với mô hình bảo hiểm tiền gửi, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay không nên tổ chức cơ quan này theo hướng chuyên chi trả, mà cần chuyển sang mô hình giảm thiểu rủi ro theo lộ trình thích hợp. Bảo hiểm tiền gửi nước ta hiện được tổ chức theo mô hình chi trả với quyền hạn được mở rộng. Theo đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chỉ bảo vệ tiền của người gửi, mà còn thực hiện các nhiệm vụ như: hỗ trợ tài chính cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp khó khăn; theo dõi và khuyến nghị sự cẩn trọng, phòng tránh rủi ro với các tổ chức tín dụng tham gia; cùng thực hiện xử lý nợ và thu hồi nợ của tổ chức bị phá sản... Nhưng mô hình này sẽ không có nhiều lợi ích bằng mô hình giảm thiểu rủi ro. Việc tổ chức theo mô hình giảm thiểu rủi ro sẽ giúp bổ sung tổ chức giám sát hệ thống ngân hàng, định chế tài chính khác, góp phần bảo đảm sự an toàn cho hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia; được trao các nghiệp vụ kinh doanh, đầu tư nhằm bảo toàn phát triển vốn ban đầu; cũng như tiếp nhận xử lý nợ và thu hồi nợ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm bị phá sản. Tổ chức theo mô hình này giúp phòng tránh những đổ vỡ dây chuyền hoặc khủng hoảng tài chính; khuyến khích tiết kiệm, tăng trưởng tín dụng, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn)