Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

11/09/2011

Trong 2 ngày 9 và 10.9, tại Hải Phòng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó chủ nhiệm Uỷ ban Bùi Sỹ Lợi chủ trì hội nghị.

Bộ luật Lao động đầu tiên của Việt Nam được QH thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.1995 và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào những năm 2002, 2006, 2007. Đến nay, sau 16 năm thực hiện, và qua 3 lần sửa đổi, Bộ luật đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều điều khoản quy định chưa sát với thực tế, trong khi đó có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong Bộ luật. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này vẫn gồm 17 chương như hiện hành, nhưng có sự thay đổi về cách sắp xếp. Do đã có Luật Dạy nghề nên Chương đào tạo nghề của Bộ luật Lao động hiện hành được chuyển xếp sau Chương Hợp đồng lao động và đổi tên thành Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Tổng số điều trong dự thảo Bộ luật Lao động là 277 điều, trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 68 điều. Đối với mỗi chương, điều cụ thể, Bộ luật đều có những bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất cho rằng, với điều kiện thực tiễn hiện nay thì việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo các đại biểu cũng đề nghị việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này cần phải có phương án giải quyết căn bản về vấn đề Đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn nhằm bảo vệ lợi ích của những người lao động làm việc tại doanh nghiệp, khắc phục tình trạng phản ứng tập thể vô tổ chức như hiện nay; cần có những quy định khuyến khích tập thể lao động và người sử dụng lao động xây dựng thỏa ước tập thể trong doanh nghiệp nhưng về lâu dài vẫn nên quy định về Thỏa ước lao động tập thể ngành để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thương lượng, ký kết thỏa ước ngành trong tương lai; cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng để bảo đảm sức khỏe của người lao động nữ và trẻ sơ sinh; cần nâng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm bình đẳng giới và giảm thiểu áp lực với quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc...

 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, khi sửa đổi Bộ luật Lao động thì các quy định của Bộ luật cần phải bảo đảm phù hợp với các quy định của các Công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam đã phê chuẩn.

 

 

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn)