Hội thảo Giới thiệu nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của ĐBQH trong lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân sách...

29/09/2011

Ngày 28.9, tại Quảng Ninh, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu về nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của ĐBQH trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách và một số chiến lược quan trọng khác của Việt Nam đến năm 2020.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được giới thiệu, cung cấp thông tin về chức năng và nhiệm vụ của ĐBQH trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước, chiến lược phát triển KT-XH của Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, định hướng tài chính giai đoạn 2010 - 2020, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đến năm 2020... Từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đến nay, nền kinh tế nước ta đã đạt được những bước phát triển vượt bậc; cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi mạnh từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, nền tài chính công của nước ta đã có nhiều thay đổi với hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên tục được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản đáp ứng được xu thế phát triển và hội nhập với khu vực cũng như thế giới. Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) năm 2004 đã đánh dấu một bước cải cách quan trọng trong cơ chế quản lý ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tài chính; nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước trong động viên, phân bổ, sử dụng nguồn lực của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: một số văn bản pháp luật và chính sách kinh tế vĩ mô về kinh tế, tài chính, ngân sách chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ so với thực tiễn; hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước còn thấp, còn thất thoát, lãng phí.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện để nền kinh tế nước ta hội nhập mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Đồng thời, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng tách bạch giữa 2 loại ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương; giám sát chặt chẽ đầu tư công nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước...

Quang Khánh

(http://daibieunhandan.vn)