Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội: Quốc hội và Chính phủ phải dành thời gian thỏa đáng để làm luật

01/10/2011

Số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình lập pháp của QH nhiệm kỳ QH Khóa XIII khá lớn, lên tới con số 133. Điều này đòi hỏi trách nhiệm và tâm huyết của các cơ quan hữu quan phải lớn hơn.

Tại Phiên họp thứ Hai của UBTVQH, các Ủy viên UBTVQH cho rằng: Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, QH và các cơ quan của QH đều phải dành thời gian thỏa đáng cho công tác lập pháp...

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Tranh luận trong quá trình lập pháp sẽ bật ra chân lý

Tôi tán thành đề nghị của Ủy ban Pháp luật, chỉ nên đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XIII 126 dự án, bao gồm cả luật, cả pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có 116 dự luật. Cả Chính phủ, cả QH đều phải dành thời gian thỏa đáng để làm luật. Một buổi họp, UBTVQH cho ý kiến 2 dự án luật - đúng là có rất ít thời gian để thảo luận. Hay ở phiên họp Chính phủ, cũng trong tình trạng một buổi họp phải cho ý kiến đến mấy dự án luật, tất nhiên là trước đó, các Bộ đã nghiên cứu rồi nhưng người ta cũng chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình, còn những lĩnh vực không liên quan đến ngành mình thì mức độ nghiên cứu cũng còn  hời hợt, chưa sâu sắc lắm.

Về phía Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, tôi thấy, lâu nay trong quy trình lập pháp, các cơ quan này đã tham gia chặt chẽ với cơ quan soạn thảo ngay từ khâu chuẩn bị. Do là cơ quan thẩm tra nên ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban về các vấn đề của dự án Luật mang tính phản biện và độc lập. Đó là điều cần thiết. Bây giờ làm luật mà cái gì cũng thống nhất hết, không thể hiện được quan điểm của cơ quan lập pháp thì cũng không hay, cảm thấy cũng không dân chủ lắm. Do đó, tôi tán thành phải có sự hợp tác chặt chẽ nhưng sau khi chúng ta nghe, tức là có Báo cáo thẩm tra rồi, UBTVQH nghe rồi và trong quá trình QH cho ý kiến lần đầu - chính thời gian đó giữa cơ quan soạn thảo và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH phải tiếp tục ngồi lại, bàn luận cho chặt chẽ để trong quá trình chỉnh lý, tiếp thu để đưa dự án Luật ra QH thông qua thì ít có ý kiến khác nhau nữa. Tôi cho vấn đề này rất hay.

Ta cũng mong muốn khi dự án Luật được trình QH thì các ý kiến gần nhau hơn. Nhưng thực tế, ta cũng đang làm rất đúng luật. Có những luật, có những vấn đề đưa ra còn ý kiến khác nhau khá sâu sắc, nhưng cơ bản trong quá trình đó cũng đã có luận bàn rồi, đã gặp gỡ, phối hợp, nên những dự luật trình QH thông qua cũng ít vấn đề có ý kiến khác nhau. Bây giờ, trước QH, Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra đồng ý hết ý kiến của Ban soạn thảo, đồng ý hết ý kiến của Chính phủ thì có khi QH cũng có vẻ chưa chịu lắm. Tất nhiên chúng ta không muốn đưa ra QH những dự án luật mà còn có sự khác nhau sâu sắc về quan điểm nhưng cũng phải để cơ quan độc lập thẩm tra thể hiện chính kiến của mình. Điều này không những làm cho không khí QH hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của ĐBQH nhiều hơn về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà từ đó, ĐBQH sẽ thảo luận, tranh luận để bật ra được nhiều chân lý hơn trong quá trình làm luật.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Tập trung vào những dự án luật, pháp lệnh phục vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp

 

Mặc dù so với nhiệm kỳ QH Khóa XII, thời gian của nhiệm kỳ QH Khóa XIII dài hơn 1 năm nhưng số lượng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Chính phủ - 115 dự án - vẫn là lớn, chưa kể Tòa án nhân dân tối cao đề nghị 4 dự án; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị thêm 2 dự án và một số cơ quan, tổ chức khác cũng đề nghị một số dự án mà QH có thể phải xem xét. Tôi đề nghị Chính phủ trên cơ sở xác định định hướng, căn cứ lập dự án chương trình đã có trong Tờ trình xem xét, rà soát kỹ đối với các dự án luật, pháp lệnh để giảm bớt những dự án chưa thật sự bức xúc và cần thiết phải ban hành ngay; tập trung vào những luật, pháp lệnh phục vụ cho cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách tư pháp, thực hiện cam kết khi gia nhập WTO và các tổ chức quốc tế khác, bảo đảm việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh phải cân đối giữa các lĩnh vực.

Về một số dự án luật, pháp lệnh cụ thể thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tư pháp đề nghị UBTVQH xem xét, cân nhắc hai dự án luật. Cụ thể, Ủy ban Tư pháp đề nghị không nên đưa dự án Luật Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án nhân dân vào chương trình Khóa XIII. Bởi lẽ, thời gian qua, trong hoạt động tố tụng của tòa án xảy ra nhiều trường hợp đối tượng có hành vi như gây rối trật tự tại phiên tòa, xúc phạm Hội đồng xét xử mà chưa bị xử lý hành chính. Lý do đưa ra là vì thiếu các quy định xác định hành vi và mức độ xử phạt cụ thể. Trong khi đó, Pháp lệnh Xử phạt hành chính đã quy định rõ thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của tòa án nhân dân. Tại Điều 390 của Bộ luật Tố tụng dân sự cũng đã quy định thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do UBTVQH quy định. Do đó việc xây dựng dự án luật không phù hợp với quy định của Điều 390 của Bộ luật Tố tụng dân sự này. Đối với dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức, theo Tờ trình của Chính phủ, dự luật này điều chỉnh về tổ chức hoạt động, biện pháp phòng, chống tội phạm có tổ chức, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trong đó có đưa ra khái niệm phạm tội có tổ chức và một số biện pháp chống tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc thù với cơ chế riêng để điều tra xử lý... Chúng tôi cho rằng nếu quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trái với quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện tại trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định rất cụ thể về tội phạm có tổ chức và hầu hết trong những quy định về tội phạm và hình phạt đều có quy định về tội phạm có tổ chức. Bây giờ ta lại xây dựng một luật khác nữa về phạm tội có tổ chức thì không hợp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Chúng tôi đành phải gửi văn bản không chính thức...

Tính khả thi của chương trình lập pháp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong này có một yếu tố là sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình lập pháp. Khi Chủ tịch QH yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ -  chúng tôi cũng đã cố gắng phối hợp. Nhưng thực tế, ngay Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với nhau lắm. Vì sự phối hợp này không chỉ phụ  thuộc riêng ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mà phụ thuộc nhiều vào tài liệu của các cơ quan gửi đến.

Có tình trạng, ngày mai Ủy ban Pháp luật thẩm tra rồi thì tối nay anh Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - PV) mới gửi văn bản, tài liệu sang. Chúng tôi hỏi thì Bộ trưởng bảo ký lâu rồi, hỏi thêm nữa thì bảo là văn bản, tài liệu đã nằm ở Văn phòng Chính phủ mấy ngày. Chúng tôi đành phải gửi trước cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban văn bản viết tay, tức là bản chưa chính thức của Bộ trưởng gửi sang để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban biết chủ trương. Chúng tôi phải tận dụng đến mức như thế thì làm sao phối hợp chặt chẽ và hiệu quả được? Việc phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ tôi thấy cũng có sự kêu ca, phàn nàn nhiều lắm.

Về chương trình chính thức, chương trình dự bị, theo quan điểm của tôi, tôi nhất trí với đề nghị của Chính phủ là Chương trình lập pháp toàn khóa không nên chia thành chính thức và dự bị. Ta quan niệm những dự án luật đã được đưa vào chương trình của khóa phải giải quyết trong nhiệm kỳ đó và đối với nhiệm kỳ đó không còn chương trình lập pháp dự bị nữa, không còn chuẩn bị nữa mà phải được coi là chương trình của nhiệm kỳ đấy. Do đó, phải có sự điều hòa. Sau này khi đã quyết định chương trình lập pháp hàng năm phải có sự điều chỉnh để bảo đảm tính chất gối đầu. Đặc biệt là 3 năm đầu khi chưa sửa đổi Hiến pháp thì phải đưa vào chương trình những dự án luật nào, sau khi sửa đổi Hiến pháp rồi thì một loạt các dự án luật về tổ chức lúc đó mới có thể đưa vào chương trình được.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Có tư duy là chuẩn bị được dự án luật nào thì đề nghị làm luật ấy

Hiện nay các cơ quan, nhất là các bộ thuộc Chính phủ, ngay trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thuộc lĩnh vực chúng tôi quản lý thì dường như cũng chưa quan tâm lắm đến việc xây dựng chiến lược hay có kế hoạch về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc sẽ gồm những luật nào. Còn có tư duy chuẩn bị được dự án luật nào thì báo cáo, đề nghị làm luật ấy thôi. Tại sao có chuyện đó? Nhận thức về việc xây dựng chiến lược, kế hoạch lập pháp chưa ổn định, chưa được tính toán một cách khoa học nên có chuyện xin đưa dự án luật vào chương trình rồi lại xin rút chính dự án luật đó ra khỏi chương trình. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thay đổi và biến động khá nhiều. Đó là điểm yếu của ta. Vì thế mà các bộ, ngành cũng có suy nghĩ rằng, lúc nào mình làm thì xin bổ sung, chứ không nhất thiết phải quy hoạch.  

Lĩnh vực quốc phòng an ninh hiện còn rất nhiều vấn đề cần phải được luật hóa. Hiện nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đang giám sát việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân thì thấy rằng, Luật Nghĩa vụ quân sự điều chỉnh cả quân dự bị, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng nhưng tới đây khi xây dựng Luật Quân đội nhân dân Việt Nam thì tất cả các lực lượng này sẽ được điều chỉnh trong Luật Quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ tách riêng phần nghĩa vụ công dân là vẫn thuộc Luật Nghĩa vụ quân sự thôi. Trong khi đó, dù chưa có quy định về nghĩa vụ công an nhưng thực tế bây giờ, công an cũng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ công an. Qua giám sát, chúng tôi thấy, cả nước chứ không riêng địa phương nào, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an đều đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Luật Nghĩa vụ quân sự không điều chỉnh cho công an được, chỉ điều chỉnh cho quân đội thôi. Cho nên đề nghị UBTVQH và QH xem xét việc xây dựng một đạo luật điều chỉnh các vấn đề này trong chương trình lập pháp Khóa XIII. Chúng tôi đã xin ý kiến các địa phương ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đều nhất trí là phải xây dựng một đạo luật gọi là Luật Nghĩa vụ về bảo vệ Tổ quốc thì mới điều chỉnh được cả nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân đội; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, anh nào không đi nghĩa vụ quân sự tại ngũ, không đi lực lượng công an thì phải tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở một khía cạnh khác. Về ý tưởng là như thế... 

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH không thể tham gia Ban soạn thảo các dự án Luật

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH không thể tham gia vào thành phần Ban soạn thảo như đề nghị của Chính phủ. Bởi vì, khác với Ban soạn thảo chịu trách nhiệm soạn thảo dự án, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội được Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nhiệm vụ thẩm tra dự án luật. Để bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động soạn thảo và hoạt động thẩm tra, bảo đảm chất lượng của dự án luật trình QH xem xét quyết định, không thể quy định việc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH tham gia với tư cách thành viên Ban soạn thảo

Nhiệm kỳ Khóa XII, khi các luật có hiệu lực, vẫn còn 55 nghị định chưa được ban hành

Trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, QH và UBTVQH đã thông qua được 89 dự án, gồm 67 luật, 7 nghị quyết của QH, 14 pháp lệnh, 1 nghị quyết của UBTVQH.

Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có sự cải tiến, ngày càng đi vào chiều sâu… Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH chưa đạt được kết quả như Chương trình đề ra. Nguyên nhân là do từ khâu lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra đến việc thảo luận, thông qua các dự án luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn mang tính bị động, tính khả thi không cao nên phải điều chỉnh nhiều lần. Một số ban soạn thảo được thành lập chậm, một số ban soạn thảo khác tuy đã được thành lập nhưng hiệu quả hoạt động không cao... Chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, pháp lệnh còn nhiều hạn chế và chưa bảo đảm tiến độ như đã dự kiến. Nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể nên phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết thì mới có thể thực hiện được, nhưng việc ban hành các văn bản này lại không bảo đảm tiến độ. Tính đến thời điểm này vẫn còn 55 nghị định chưa được Chính phủ ban hành để quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực.

Nguồn: Ủy ban Pháp luật

Chính phủ đề nghị phân chia các dự án luật, pháp lệnh theo 6 lĩnh vực

Chính phủ đề nghị không phân chia Chương trình lập pháp Khoá XIII thành Chương trình chính thức và Chương trình chuẩn bị.

Chính phủ đề nghị phân chia các dự án theo 6 lĩnh vực như cách phân chia trong Nghị quyết số 48-NQ/TW là: (1) Tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; (2) Quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; (3) Dân sự, kinh tế; (4) Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa - thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; (5) Quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội; (6) Pháp luật về hội nhập quốc tế.

Cách phân chia này sát với cách phân chia các chương trong Hiến pháp năm 1992; bao quát được nhiều lĩnh vực hơn và phân biệt rạch ròi các lĩnh vực hơn so với cách phân chia trong các Chương trình nhiệm kỳ khoá trước.

Nguồn: Bộ Tư pháp

Nguyễn Vũ ghi

(http://daibieunhandan.vn/)