Tọa đàm Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông

06/10/2011

Ngày 4.10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp với Trung tâm con người và thiên nhiên tổ chức Tọa đàm Tác động của phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Sinh kế, an ninh lương thực và sự ổn định của khu vực.

Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất thế giới với tổng chiều dài khoảng 4.800 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Campuchia và đổ ra biển Đông nước ta. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sông Mê Kông là nguồn sống chính, cung cấp nước, phù sa, dưỡng chất cho sản xuất nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản cho hơn 18 triệu dân cư vùng châu thổ và bảo đảm cân bằng sinh thái cho các vùng đất ngập nước quan trọng trong khu vực. Do sức ép phát triển kinh tế, các quốc gia trong khu vực đang cố gắng khai thác triệt để tiềm năng phát triển thủy điện từ sông Mê Kông. Là quốc gia cuối của dòng sông, nước ta có thể sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn về nguồn nước, sinh kế như nguồn lợi thủy sản, an ninh lương thực. Đối với môi trường và xã hội ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc đắp đập có thể gây sạt lở sông, sụt lún do thiếu phù sa...

Nhất trí với nhận định của các chuyên gia, các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng sẽ có rất nhiều hiểm họa từ việc xây đập trên dòng chính sông Mê Kông gây tổn thất đến kinh tế, xã hội và môi trường không chỉ ở nước ta mà còn ở toàn khu vực. Điều quan trọng là, các nước trong khu vực phải xác định, đến lúc cần xây dựng ngay các đập thủy điện hay chưa? Đồng thời có phương án xây dựng hiệp ước giữa các quốc gia chung dòng sông Mê Kông nhằm đề ra biện pháp giảm dần thiệt hại do tác động của sự phát triển thủy điện ở nước ta nói riêng và khu vực nói chung.

 

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)