Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp Phiên toàn thể lần thứ hai

19/10/2011

Ngày 18 - 19.10, tại Hà Nội, UB Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ Hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Trương Thị Mai chủ trì Phiên họp.

Tại Phiên họp này, UB sẽ thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2011 và kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 đối với lĩnh vực y tế, dân số; thảo luận dự thảo báo cáo hoạt động của Ủy ban từ kỳ họp thứ nhất đến  kỳ họp thứ hai, dự kiến hoạt động đến cuối năm 2011 và năm 2012; góp ý kiến về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và một số nội dung quan trọng của một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khoá XIII; các dự án luật, pháp lệnh dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH Khóa XIII; thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH, ngân sách nhà nước 2011 và kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

 

Trong ngày đầu tiên của phiên họp, UB đã thẩm tra dự án Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH, ngân sách nhà nước năm 2011 và kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 đối với lĩnh vực y tế, dân số; thảo luận dự thảo báo cáo hoạt động của Ủy ban từ Kỳ họp thứ Nhất đến Kỳ họp thứ Hai, dự kiến hoạt động đến cuối năm 2011 và năm 2012; góp ý kiến về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và một số nội dung quan trọng của một số dự án luật trình tại Kỳ họp thứ Hai; các dự án luật, pháp lệnh dự kiến đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH Khóa XIII.

 

Theo tờ trình Dự thảo Luật Phòng, chống hại của thuốc lá của Chính phủ, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng dự án là thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thuốc lá vì lợi ích sức khỏe nhân dân; bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai; đáp ứng được những yêu cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá Việt Nam là thành viên… Các thành viên UB cơ bản nhất trí cần phải ban hành một đạo luật với mục tiêu chính là phòng, chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, trước thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam, giá thuốc lá ở nước ta thuộc loại thấp nhất trên thế giới đã tạo điều kiện cho thanh niên, thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận với việc hút thuốc lá hơn so với quốc gia khác trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc lá vẫn còn nhiều vi phạm, đặc biệt là kinh doanh và sử dụng thuốc lá nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát; các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, kể cả quản lý kinh doanh thuốc lá được ban hành đến nay phần nhiều đã lạc hậu. Một số ý kiến nhấn mạnh, nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định trong các văn bản do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, phạm vi điều chỉnh hẹp nên chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện cho nên các quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh nên hiệu quả pháp luật chưa cao. Do đó dự thảo Luật cần chú trọng hơn nữa đến mục tiêu chính là phòng, chống tác hại thuốc lá, quy định cụ thể về địa điểm cấm hút thuốc và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

 

Các thành viên UB cơ bản nhất trí với báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2011 đối với lĩnh vực y tế. Ngành y tế tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao và QH giao gồm chỉ tiêu về số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 21,1%; chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 17,3%, ước đạt 17,3%; chỉ tiêu mức giảm tỷ lệ sinh giao 0,2%, ước đạt 0,2%... Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, đã chủ động, tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch, duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, nên tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm đều giảm so với năm 2010. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội trú, ngoại trú… đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trước tình trạng quá tải tại các bệnh viện như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, ngành y tế cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 1816 luân chuyển cán bộ chuyên môn cho tuyến dưới; tăng tỷ lệ bao phủ BHYT để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi đi khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, tiếp tục hoàn thiện hệ thống các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương.

V.Hoa

(http://daibieunhandan.vn)