Không nên quá lo lắng về chỉ số nợ công

29/10/2011

Theo thông lệ quốc tế, tổng trả nợ của Chính phủ từ 14-16% tổng ngân sách nhà nước là an toàn.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 28/10 Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Báo cáo giải trình Quốc hội về một số vấn đề đại biểu quan tâm,  Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết nợ công của Chính phủ tính đến 31/12/2010 tỷ lệ nợ nước ngoài là 42,2% đến 31/12/2012 tỷ lệ nợ này sẽ thấp hơn đáng kể.

Về cơ cấu tổng nợ công, vay ODA chiếm 75%, vay khác 9%, vay  thương mại 7%. Tuy nhiên, thời gian vay ODA dài hạn với lãi suất ưu đãi như vay Ngân hàng Thế giới thời hạn vay 40 năm, ân hạn 10 năm lãi suất 0,75%; vay ADB thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm lãi suất 1%; vay ODA của Nhật Bản thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm và lãi suất từ 1-2%. Vì vậy, theo ông Huệ khi so sánh với các nước cần chú ý đến cơ cấu này, nhất là đối với các nước nợ công, các nước đang phát triển, các nước thoát khỏi ngưỡng nghèo không giống nước ta, tỷ trọng nợ công vay thương mại của các nước này nhiều.

Bên cạnh đó, về cách tính nợ công cũng có khác nhau ở các nước phát triển châu Âu tính theo tỷ lệ theo giá trị đồng tiền còn ở Việt Nam tính theo giá trị danh nghĩa. “Nếu quy giá trị danh nghĩa này về giá trị đồng tiền hiện tại thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam đã báo cáo Quốc hội còn thấp hơn”, ông Huệ nói. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã tính toán, cơ cấu này đã và sẽ thay đổi khi khoản ODA ưu đãi đang giảm dần và vay thương mại đang có chiều hướng tăng lên để có chiến lược kế hoạch quản lý nợ công trong từng giai đoạn.

Đối với nợ Chính phủ, nợ nước ngoài chiếm 58% và đang có xu hướng giảm theo cơ cấu, nợ trong nước 42% nhưng có xu hướng tăng lên. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng đây là xu thế tốt giúp chúng ta giảm tỷ lệ nợ nước ngoài và chủ động hơn trong việc vay nợ.

Về quản lý và sử dụng ODA, đa số vốn vay ODA, vốn vay của nợ công được Chính phủ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, như toàn bộ hệ thống quốc lộ phía Bắc (quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 18…), quốc lộ 1A, đường Xuyên Á – TPHCM - Mộc Bài; các hệ thống cảng Cái Lân, nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và hàng loạt cầu ở TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long như cầu Mỹ Thuận (Cần Thơ), Hàm Luông… Riêng trái phiếu Chính phủ đã đầu tư tập trung cho 50 dự án đường ô tô xuống xã, cải thiện một bước đáng kể hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng 57.723 phòng học và 18.942 phòng công vụ.

Kết quả sử dụng nợ công đã làm cho tăng trưởng kinh tế trong 5 năm qua đạt tỷ lệ 7,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Trong lĩnh vực quản lý, chúng ta đã có Luật Nợ công, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng xong chiến lược quản lý phát triển nợ công đến năm 2020 đang trình Chính phủ và các cơ quan xem xét thông qua. Bộ Tài chính cũng đang chủ động xây dựng hoạch, đề án hành động cụ thể để thực hiện chiến lược này khi được thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện đề án công khai, minh bạch tăng cường quản lý nợ. Hiện nay, tình hình nợ công được cập nhật 3 tháng, 6 tháng/lần. Bộ Tài Chính cũng được phép thành lập Cục quản lý nợ nước ngoài giúp quản lý thống nhất về nợ công. Chính phủ đồng ý với Bộ Tài chính xây dựng đề án tín nhiệm quốc gia để nâng mức xếp hạng tín nhiệm đảm bảo cho việc vay nợ của Chính phủ, doanh nghiệp được thuận tiện nhất. Chính phủ và các cơ quan cũng đang tích cực chủ động đàm phán vay nợ ODA và các khoản vay ưu đãi từ các nhà tài trợ.

Về trả nợ vay, đồng tình với Quốc hội không quan trọng là vay bao nhiêu mà chính là khả năng trả nợ như thế nào, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, tổng trả nợ của Chính phủ từ 14-16% tổng ngân sách nhà nước. “Nếu như năm 2012 chúng ta bố trí tổng 100.000 tỷ thì tổng chi khoảng 900.000 tỷ. Theo thông lệ quốc tế mức trả nợ an toàn không quá 30% tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ cũng nhận thức vấn đề vay như thế nào, sử dụng có hiệu quả như thế nào và khả năng trả nợ như thế nào? Thời gian tới, cùng với tăng cường quản lý sử dụng vay, tái cơ cấu đầu tư công các chỉ số GDP, ngoại hối, tôi cho rằng việc quản lý nợ sẽ được tốt hơn. Do đó, chúng ta không quá lạc quan nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công”- Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tỷ lệ động viên và bội chi ngân sách theo Bộ trưởng tỷ lệ này ở Việt Nam có đặc  điểm khác với các nước. Chúng ta tín theo cấp vốn ngân sách, ở các nước tính trên tỷ lệ bôi chi và ngân sách của Chính phủ. Chúng ta tính một số lượng lớn thu dầu thô, sử dụng đất, nhập khẩu, trong khi các nước tính theo tỷ lệ thu nội địa. Chúng ta cũng tính ngoài thuế còn có phí và lệ phí và dịch vụ công còn các nước không tính vào tỷ lệ động viên.

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ nếu chúng ta tính thuế  và phí và  tỷ lệ động viên năm 2011 chỉ 20,3% GDP và nếu tính riêng thuế nội địa trên GDP thỉ tỷ lệ động viên ở Việt Nam vào khoảng 14%. Tỷ lệ này Malaysia 21,9%, Philippines 17,5%, Thái Lan là 16% vì thế chúng ta không phải là cao trong khu vực…/.

(http://vov.vn/)