Hội thảo Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật

30/10/2011

Ngày 29- 30.10, tại Phú Thọ, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA) , UB Về các vấn đề xã hội phối hợp với Nhóm Nữ ĐBQH Việt Nam, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì hội thảo.

 

 

Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Tổng quan về lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật; Giới và dự án Bộ luật lao động (sửa đổi); Giới và dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại Kỳ họp thứ hai, QH Khóa XIII, QH sẽ thông qua 6 dự án luật và xem xét ý kiến 11 dự án luật.  Đây cũng chính là giai đoạn quan trọng trong việc xem xét chính sách  lồng ghép về bình đẳng giới ;  Bảm bảo  yêu cầu lồng ghép bình đẳng giới trong các quy định cụ thể;  Xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, quy định trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các dự án luật… 

 

Góp ý kiến vào dự án Bộ luật lao động, các đại biểu cho rằng, sau 15 năm thi hành đã bộc lộ nhiều vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi để đáp ứng với yêu cầu mới của cuộc sống. Trong Bộ luật lao động hiện hành cũng đã dành một chương quy định riêng đối với lao động nữ, tuy nhiên trong quá trình thực thi cho thấy, một số quy định về bảo vệ, hỗ trợ cho lao động nữ còn thiếu tính khả thi, chậm được hướng dẫn thực hiện… làm cho chính sách không đáp ứng được mục tiêu khi ban hành. Các đại biểu kiến nghị, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải bảo đảm lồng ghép giới trong các quy định tạo cơ hội, điều kiện cho lao động nữ được tham gia và thụ hưởng các thành quả chính sách, pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

 

Góp ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu cho rằng, cơ bản các nội dung của luật có tác động đến cả nam và nữ, xuất hiện yếu tố giới và có vấn đề bất bình đẳng giới vì tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao, việc hút thuốc lá tràn lan tại nơi công cộng và trong gia đình thì người chịu ảnh hưởng của khói thuốc thụ động nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Do vậy, việc lồng ghép giới vào trong các quy định của dự thảo luật cần làm tăng tính khả thi của dự án luật cũng như nâng cao hiệu quả của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá tới sức khỏe của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

 

Hội thảo cũng là dịp cung cấp các thông tin, kiến thức, kỹ năng về quy trình, thủ tục lồng ghép giới cũng như việc xác định các vấn đề giới, phân tích, đánh giá tác động và tính khả thi của các quy định trong các dự án luật dưới góc độ bình đẳng giới cho các ĐBQH.

 

V. Hoa

(http://daibieunhandan.vn)